|
6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực. |
Những “điểm sáng” kinh tế
Kinh tế- xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả và tiếp tục có xu hướng tích cực hơn cùng kỳ năm 2023. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,99%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%.
Các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế tích cực theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước và nhiều ngành, lĩnh vực tăng so với cùng kỳ. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực; thu ngân sách đạt vượt tiến độ bình quân dự toán được giao.
Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, quý II tăng 11,37% và 6 tháng ước tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 5.853 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, quý II ước đạt 17.423 tỷ đồng, tăng 14,9% và 6 tháng ước đạt 34.835 tỷ đồng, tăng 14,11% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 6 đạt 94 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 57,8% so với cùng kỳ năm trước; quý II ước đạt 256 triệu USD, tăng 31,6%; 6 tháng xuất khẩu ước đạt 453 triệu USD, đạt 58% kế hoạch và tăng 31,34% so với cùng kỳ.
Những tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục chỉ đạo và các cấp, các ngành, địa phương tổ chức tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh theo quý để kịp thời nắm bắt khó khăn, chủ động giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh của DN, HTX, hộ kinh doanh ngay từ cơ sở. Nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nổi bật với các đối tác như Ấn Độ, Hàn Quốc. Tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 20 lượt nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư (có 5 lượt nhà đầu tư nước ngoài).
Đến ngày 20/6, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án (trong đó có 1 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký tương đương 266,5 tỷ đồng và 1,28 triệu USD; có 7 dự án đầu tư mở rộng (trong đó có 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 92,05 tỷ đồng và 3,92 triệu USD.
|
Nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, mới tạo thu hút đối với du khách. |
So với cùng kỳ năm 2023, tổng số dự án cấp mới không đổi, tổng vốn đăng ký đầu tư mới giảm, nhưng số dự án FDI đăng ký điều chỉnh mở rộng tăng 5 dự án so với cùng kỳ, vốn đăng ký mở rộng 3,92 triệu USD. Đến 14/6, số DN mới thành lập và quay lại hoạt động đạt 238 DN, giảm 12,18% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có 190 DN thành lập mới, đạt 37,3% kế hoạch năm với số vốn đăng ký là 2.801 tỷ đồng. Bên cạnh, các ngành, các cấp tiếp tục hỗ trợ, củng cố sắp xếp lại hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, hỗ trợ thành lập mới HTX.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn còn một số hạn chế nhất định. Theo UBND tỉnh, các cân đối lớn của kinh tế cơ bản ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn do tác động của tình hình thế giới; một số ngành, lĩnh vực sản xuất còn khó khăn, phục hồi chậm, nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp; chưa khai thác được thị trường xuất khẩu mới.
Bên cạnh số lượng DN mới thành lập, từ đầu năm đến nay cũng đã có 189 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, DN tạm ngừng kinh doanh chiếm 82%. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, giải ngân đạt thấp so với yêu cầu. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2024 là 4.760,751 tỷ đồng, đến 15/6 thực hiện trên 881 tỷ đồng, đạt 18,51% và giải ngân gần 871 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch.
Nói về nguyên nhân thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cho rằng do vướng mắc các khâu chuẩn bị đầu tư chậm, không đủ điều kiện chuyển giao vốn, giải phóng mặt bằng, thiết kế dự án thi công… ảnh hướng lớn đến tiến độ. Trong đó, khó khăn lớn mà đa số các địa phương phản ánh là thiếu nguồn cát san lấp mặt bằng.
Với phương châm “càng sớm, càng hiệu quả”, ông Lữ Quang Ngời chỉ đạo cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu thi công, vướng mắc trong quy hoạch cấp huyện; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được phân bổ.
|
Thương mại, dịch vụ tăng khá, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng được tổ chức hiệu quả. |
Tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn ODA, dự án phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, “đề cao tránh nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Các công trình, dự án đã được giao vốn thì các địa phương, chủ đầu tư… cần phải quyết tâm cao, để thực hiện khởi công đúng thời gian đã cam kết. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chủ trì rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt”- ông Lữ Quang Ngời lưu ý.
Trong tháng 7 và 6 tháng cuối năm, theo UBND tỉnh, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành hết sức tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân giao cho các sở, ngành, địa phương, cần phân tích kỹ từng lĩnh vực, ngành còn vướng mắc để kịp thời xử lý, tham mưu giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm đạt kết quả tốt nhất.
“Chúng ta nhận thấy rằng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thể hiện trách nhiệm tham mưu, “gác cửa” các lĩnh vực do cơ quan, đơn vị quản lý để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn còn tình trạng sợ sai, đùn đẩy, nhất là những vấn đề có khó khăn, vướng mắc. Vấn đề này cần rút kinh nghiệm”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng thời yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của các tổ công tác đặc biệt (theo Quyết định số 1314 của Chủ tịch UBND tỉnh), theo dõi, rà soát, kịp thời tháo gỡ, giải quyết hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo nhiệm vụ được giao, từng ngành, từng địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC