|
  • :
  • :

​​​​​​​Nỗi buồn trái cây

Mỗi năm đến hè cũng là mùa trái cây miền Tây vào chính vụ. Nhưng không đi kèm với niềm vui “được mùa”, người làm vườn rầu rĩ vì điệp khúc “rớt giá” cứ lặp đi lặp lại.

Sầu riêng “bao ăn, bao chín cây” giảm giá mạnh, rớt… xuống đường, thấy thương. Thương vì so với thời điểm giá cao, sầu riêng ri 6 120.000-140.000 đ/kg, còn Mongthong lên đến 180.000-200.000 đ/kg; thì nay, sầu riêng bán đầy vỉa hè với giá chỉ 50.000-60.000 đ/kg. Trong khi xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn, chôm chôm… cũng vậy, còn cam sành vẫn 5.000 đ/kg hoặc “10 ngàn 3 ký”. Một số người trồng và thương lái cho rằng sầu riêng và nhiều loại trái cây rớt giá mạnh do thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc- thị trường chiếm 90% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, siết chặt các quy định về kiểm soát dư lượng cadimi và chất vàng O. Những nông hộ nhỏ lẻ “nhà có 1, 2 công vườn” lại chưa kịp thích ứng với các tiêu chuẩn mới, từ truy xuất nguồn gốc, cách dùng phân bón đến thời gian kiểm nghiệm trước thu hoạch.

Không thể phủ nhận, thị trường Trung Quốc đã góp phần đưa trái sầu riêng Việt Nam thành “hiện tượng” với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Tuy nhiên, khi quá phụ thuộc vào một thị trường lớn, cộng với việc “phá vỡ quy hoạch” vùng trồng… nên “được mùa, dội chợ” cứ tiếp diễn.

Thực tế hiện nay, trái cây miền Tây vẫn “chạy chợ” là chủ yếu, bán theo mùa và gần như không qua kênh tiêu chuẩn nào. Hệ quả là khi xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa không đủ sức tiêu thụ. Trong khi đó, với dân số khoảng 100 triệu người, nhu cầu tiêu dùng trái cây tươi, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, sạch, có truy xuất nguồn gốc đang tăng mạnh, nhưng thị trường nội địa vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Mà muốn phát triển thị trường nội địa bền vững cho trái cây ĐBSCL, cần một chiến lược đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, từ sản xuất đến tiêu dùng. Bên cạnh cần xây dựng mối liên kết rõ ràng giữa vùng sản xuất như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre với các đầu mối tiêu thụ như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và cần làm bài bản hơn, có ràng buộc về chất lượng, tiêu chuẩn, giá hợp lý. Thay vì chỉ bán trái sầu riêng tươi, có thể làm kem sầu riêng, bánh sầu riêng, sầu riêng cấp đông hút chân không… Điều này không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản, mà còn tạo thêm kênh tiêu thụ mới.

Bên cạnh yếu tố thị trường, còn phải quan tâm đến văn hóa tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có niềm tin vào hàng Việt Nam sạch, ngon, rõ nguồn gốc, thì chắc chắn sẽ ưu tiên lựa chọn. Nhưng nếu trái cây trong nước cứ nhập nhèm chất lượng, lúc ngon lúc dở, người tiêu dùng sẽ quay lưng.

LÝ AN

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202505/blog-thi-truong-noi-buon-trai-cay-31402e7/
Tin liên quan
Chưa có thông tin