|
  • :
  • :

Chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi

Trong năm 2023, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn còn xuất hiện rải rác và có dấu hiệu tăng dần vào những tháng cuối năm khiến người chăn nuôi lo lắng, bất an khi tái đàn.

Người chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn heo.

Tại Vĩnh Long, ngành thú y tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người chăn nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nhất là dịp Tết Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp- PTNT), năm 2023 cả nước đã xảy ra trên 700 ổ DTHCP tại 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy khoảng 34.500 con. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8/2023 trở lại đây tại nhiều tỉnh. Cục Thú y cảnh báo nguy cơ bệnh DTHCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh có 188.385 con heo, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Đàn heo giảm, chủ yếu do giá heo hơi ở mức thấp, giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, tình hình bệnh DTHCP vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và sức tiêu thụ sản phẩm thịt heo giảm nhiều, nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đầu tư.

Cụ thể, tính đến ngày 14/12/2023 xảy ra 17 ổ DTHCP tại 21 hộ của 12 xã thuộc các huyện Trà Ôn, Long Hồ, Tam Bình và TX Bình Minh. Tổng số heo tiêu hủy 408 con với tổng trọng lượng gần 16.900kg.

Theo ngành thú y, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dịch bệnh lây lan, dây dưa, kéo dài trong thời gian qua là do việc chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, không đảm bảo về khoảng cách, điều kiện an toàn sinh học, chủ vật nuôi không chủ động khai báo hoạt động chăn nuôi đến chính quyền địa phương.

Một số địa phương chưa tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng như không đặt biển báo, đặt trạm, chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, phun thuốc, sát trùng, vận chuyển, xử lý tiêu hủy heo bệnh, thực hiện công bố dịch rất muộn...

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Thời gian qua, để phòng chống dịch bệnh, chi cục đã vận động người chăn nuôi tự thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, đặc biệt trong thời điểm nguy cơ tái phát bệnh DTHCP. Tuy nhiên, bệnh DTHCP vẫn còn xảy ra rải rác.

Cụ thể, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2023 xảy ra 5 ổ dịch và tiêu hủy 70 con. Nhưng từ tháng 8-12/2023 đã xảy ra 11 ổ dịch, tiêu hủy 320 con.

Theo ông Tùng, bệnh DTHCP thuộc bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, đặc tính mô hình phát triển tự nhiên của loại bệnh này là theo sơ đồ hình sin, khi tăng khi giảm.

Sau một thời gian bệnh giảm từ giữa tháng 7/2022 đến tháng 7/2023 thì từ tháng 8/2023 bệnh tăng trở lại, bởi 2 nguyên nhân chính: vào thời điểm thời tiết bất lợi (mùa mưa bão vào cao điểm) và thời điểm mật độ nuôi tăng do vào vụ tái đàn. Cộng với sự chủ quan của người chăn nuôi khi có một thời gian dài không thấy bệnh xuất hiện nên công tác phòng ngừa không được tập trung.

Để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Hướng dẫn người dân ứng dụng mô hình chăn nuôi hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi hiệu quả, không để tái nhiễm; phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong diện tiêm phòng. Song song đó, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng hiệu quả các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTHCP kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP.

 

Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202401/chu-dong-phong-ngua-benh-dich-ta-heo-chau-phi-3179787/
Tin liên quan
Chưa có thông tin