|
  • :
  • :

Chuẩn bị kỹ kịch bản xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc từ năm 2022

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc khi nước bạn áp dụng quy định mới từ 2022.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì tại điểm cầu ở trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Minh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì tại điểm cầu ở trụ sở Bộ NN-PTNT. Ảnh: Đức Minh.

Cập nhật thông tin thường xuyên

Chiều 11/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác phía Bắc Bộ NN-PTNT làm việc trực tuyến với lãnh đạo 4 tỉnh biên giới là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng, cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vui mừng cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 53,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021, trong đó xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu của ngành nông nghiệp khoảng 3,9 tỷ USD.

Trong số này, nhóm nông sản chính đạt giá trị xuất khẩu 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%. Nhóm lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54%. Thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%. Chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%.

Với riêng thị trường Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 là 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%.

Kim ngạch 12/13 nhóm mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, gồm rau quả; gạo; hạt điều; cà phê; chè; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; sắn và sản phẩm sắn; thức ăn gia súc; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; xơ sợi dệt; sản phẩm từ cao su. Tăng mạnh nhất là thức ăn gia súc (124,3%), hạt điều (85,3%), và cao su (82,4%).

“Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ ở mức tốt. Đó là kết quả từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ban, ngành và địa phương hai nước. Tôi tin tưởng, rằng tiềm năng giao thương giữa hai nước còn rất lớn, cả về chủng loại, sản lượng và doanh số”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo thông báo từ ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT liên tục cập nhật thông tin từ phía Trung Quốc để tiếp nối đà tăng trưởng.

Từ bài học kinh nghiệm những năm trước, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị “xuống tận cơ sở, hướng dẫn trực tiếp”, đồng thời tăng cường “công tác kiểm tra, rà soát”. Bên cạnh đó, ông còn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật giảm thiểu tối đa các quy trình kiểm dịch thực vật trong phạm vi cho phép. Với các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị tăng cường nhập khẩu chính ngạch, tuân thủ các yêu cầu từ phía doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc.

“Với truyền thống quan hệ hữu nghị giữa hai nước, rất mong các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, và Đại sứ quán Trung Quốc tập trung tháo gỡ những rào cản. Chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Muốn làm được, không còn cách nào khác ngoài việc các bên liên tục giữ liên lạc và thông tin cho nhau”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam xuất khẩu 9 loại nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NN-PTNT đã chuẩn bị hồ sơ cho 8 loại nông sản nữa để xuất khẩu chính ngạch, chỉ chờ dịch Covid-19 được kiểm soát để ký Nghị định thư với Trung Quốc.

Xe chở hàng Trung Quốc đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.
Xe chở hàng Trung Quốc đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Trong bối cảnh lưu thông đường bộ và đường thủy được siết chặt để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ý kiến của ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), là tận dụng khả năng giao thương qua đường sắt. "Một chuyến tàu có thể chở hàng chục container, có nghĩa chúng ta sẽ giảm được chừng ấy xe trên đường bộ", ông Sơn nhận xét.

Theo ông Sơn, Bộ Công thương đang xây dựng giao thức kiểm dịch trên đường sắt, dựa trên cơ sở  kiểm dịch của đường bộ, đường thủy. Nếu có thể khắc phục được các vấn đề về khổ đường ray, hay container lạnh, đây sẽ là phương thức giao thương tiềm năng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cam kết, sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất nhập khẩu nông sản. "Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ NN-PTNT có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong điều kiện dịch bệnh", ông nhấn mạnh.

Về phía 4 tỉnh biên giới, nơi có các cửa khẩu thông quan chính sang Trung Quốc, quá trình lưu thông hàng hóa còn gặp một số khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Lương Trọng Quỳnh cho biết, xe lưu trú qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh lên tới một tuần, gây ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Ngoài ra, số lượng mặt hàng thủy sản xuất qua Lạng Sơn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của nhóm ngành này. Một số loại như chanh leo vẫn chưa thuộc danh mục xuất khẩu chính ngạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bùi Văn Khắng nói thêm, lượng hàng hóa lưu trữ tại các cửa khẩu của tỉnh lên tới 4.000 - 5.000 tấn, trong khi số lượng kho lạnh chưa kịp đáp ứng. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc quy định chặt chẽ về kinh doanh biên mậu khiến nông lâm thủy sản Việt Nam lưu thông chậm qua biên giới.

Để giải quyết vấn đề, ông Khắng đề nghị Bộ NN-PTNT có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, để giảm lệ thuộc vào kinh doanh biên mậu. Một điểm nữa, là Quảng Ninh có nhu cầu mở thêm kho bãi, và xây dựng một trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản, giúp tích trữ dài ngày những mặt hàng tươi như hoa quả. "Chúng tôi đang nghiên cứu nâng cấp cửa khẩu, xây thêm cảng và đường cao tốc", ông Khắng cho biết. 

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai nêu vấn đề ở chỗ, Trung Quốc vẫn dùng lái xe chuyên trách, làm chậm khả năng thông quan hàng hóa. Để tránh hàng hóa bị ùn ứ, Lào Cai đề xuất Bộ NN-PTNT lập một đầu mối để thông báo thường xuyên các yêu cầu của Trung Quốc tới doanh nghiệp.  Song song với việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các tỉnh có thống kê chi tiết về sản lượng, thời điểm, số lượng đầu mối tiêu thụ của từng loại nông sản.

Lắng nghe ý kiến từ địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chủ trương đầu tư cho cơ sở hạ tầng, từ cao tốc đến cảng biển, cần được đẩy mạnh. Ông cũng khen ngợi các tỉnh biên giới đã có nhiều biện pháp chủ động giúp đảm bảo việc xuất khẩu nông sản.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ghi nhận nhiều sáng kiến có giá trị từ Việt Nam trong buổi họp ngày 11/8. Ông hứa sẽ báo cáo cụ thể với Đại sứ Hùng Ba, và cam kết "chung sức cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, để quá trình thông quan được thuận lợi”. Trước mắt, ông Hồ Tỏa Cẩm đề nghị lập các hội nghị trực tuyến, giúp hai nước trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, trước khi trả lời bằng văn bản.

 

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/kinh-te/202108/chuan-bi-ky-kich-ban-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-tu-nam-2022-780410/
Tin liên quan
Chưa có thông tin