Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được tỉnh Đắk Lắk quan tâm đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng cho việc định hướng phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Sáng 7/6, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Vụ Quản lý khoa học, Vụ các Trường Chính trị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đinh Khắc Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) nước ta nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã có những tiến bộ nhanh chóng".
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học cấp Bộ
Giai đoạn 2006 - 2022, đã triển khai mới 6 dự án nông thôn miền núi, 26 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 20 nội dung ứng dụng và chuyển giao công nghệ cấp huyện; vốn đầu tư trên 44,98 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho ứng dụng CNSH trong nông nghiệp chiếm trên (90%). Chương trình công nghệ sinh học tập trung cho lai tạo, chọn lọc, nhân giống cây trồng vật nuôi cũng như nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông lâm nghiệp, môi trường, y tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dây chuyền công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh với sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng 70.000 - 80.000 tấn/năm, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Đã nghiên cứu nuôi cấy invitro thành công nhiều loại cây trồng. Nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất chế phẩm sinh học Trichoderma để phòng trị bệnh cho cây trồng; ứng dụng công nghệ enzyme trong chế biến cà phê ướt, chế biến lên men ca cao và các chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón…
TS. Đinh Khắc Tuấn – Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo.
Với ngành nông - lâm nghiệp, thông qua nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu về giống, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng ứng dụng rộng rãi giống mới của các loại cây ngắn ngày, ứng dụng vi sinh vật thế hệ mới tạo ra các chế phẩm men vi sinh xử lý nhanh phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Khi ứng dụng ở nông hộ đã sản xuất được hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ giá rẻ thay thế một phần phân vô cơ giá cao. Trong lâm nghiệp, giống bạch đàn, keo lai nhân từ mô phân sinh kết hợp với giâm hom cũng đã được đưa vào chương trình trồng rừng kinh tế. Bên cạnh đó còn có nghiên cứu ứng dụng vaccine trong phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc, sử dụng vaccine phòng bệnh viêm gan ở người.
Trong chăn nuôi, ngoài việc sử dụng giống mới trong sản xuất chăn nuôi đại trà, việc áp dụng các loại vắc xin phòng dịch heo tai xanh, tụ huyết trùng, tả, phó thương hàn, lở mồm long móng đã được phổ cập, giúp giữ vững, phát triển ổn định và tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm. Ứng dụng Công nghệ sinh học trong phối trộn sản xuất thức ăn, xử lý môi trường chăn nuôi được ứng dụng nhanh tại các trang trại chăn nuôi heo, gà với quy mô công nghiệp; ứng dụng một số chế phẩm vi sinh vật bổ sung thức ăn gia súc, gia cầm. Đã xây dựng bộ chẩn đoán bệnh lở mồm long móng. Giống mới trong nuôi trồng thuỷ sản bắt đầu được nghiên cứu, ứng dụng. Các nghiên cứu và ứng dụng của CNSH vi sinh vật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã và đang được nghiên cứu và có được những thành công nhất định.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm có mặt tại Hội thảo
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã triển khai nhân rộng việc sử dụng hầm khí Biogas, chế phẩm sinh học tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Thành công và mở rộng việc xử dụng công nghệ xử lý rác thải và nước thải; công nghệ vi sinh xử lý mùi hôi nước thải sinh hoạt; áp dụng công nghệ vi sinh để sử dụng có hiệu quả các phế thải nông, lâm nghiệp, môi trường nông thôn được cải thiện. Trường Đại học Tây Nguyên cũng đã nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử, ứng dụng phương pháp phản ứng khuyến đại gen để xây dựng bộ phát hiện nhanh một số vi sinh ngộ độc thực phẩm, phát hiện vi rút gây bệnh lở mồm long móng ở gia súc.
Theo TS. Đinh Khắc Tuấn, cần nhận thức về mục đích, vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến người dân các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất về CNSH, các kết quả ứng dụng nổi bật của CNSH vào sản xuất và đời sống. Đầu tư xây dựng và phát triển vùng, khu và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm sản xuất thử nghiệm ứng dụng CNSH, công nghệ cao để nhân rộng sản xuất.
Cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn. Xây dựng cơ chế liên kết giữa cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học với người sản xuất và doanh nghiệp về chuỗi ứng dụng KHCN - sản xuất - tiêu thụ. Tiến hành quy hoạch và đầu tư phát triển công nghiệp sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, y, dược, công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế.
Theo https://sohuutritue.net.vn/