|
  • :
  • :

Đăng ký nhãn hiệu độc quyền: Động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh nông sản

Lời Tòa soạn: Nhân sự kiện 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh là hồ tiêu Chư Sê, rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu-Chư Prông và phở khô Gia Lai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, phóng viên Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN về các chính sách hỗ trợ cũng như việc quản lý, phát triển nhãn hiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương trong thời gian tới.

* P.V: Thưa ông, việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển sản phẩm của người dân, doanh nghiệp?
 
- Ông Nguyễn Nam Hải: Một trong các yếu tố làm nên thương hiệu của doanh nghiệp chính là nhãn hiệu, logo. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hết sức cần thiết, giúp doanh nghiệp ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn.
 
Nếu không đăng ký nhãn hiệu thì việc đầu tư tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp có thể trở nên vô ích. Bởi vì đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng nhãn hiệu giống khiến người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp có nhãn hiệu sẽ thất thu, thậm chí bị tổn hại danh tiếng nếu sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có chất lượng thấp.
 
Gạo Ba Chăm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2019-2020. Ảnh: Thiên Di
Gạo Ba Chăm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2019-2020. Ảnh: Thiên Di
 
* P.V: Việc quản lý, phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông sản sau khi được cấp văn bằng đang là vấn đề khó đối với chủ sở hữu. Sở KH-CN đã có giải pháp nào cụ thể để giải quyết vấn đề trên, thưa ông?
 
- Ông Nguyễn Nam Hải: Với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN đề xuất một số công việc mà chủ sở hữu nhãn hiệu và chính quyền địa phương cần quan tâm. 
 
Cụ thể, đối với chủ sở hữu, các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu cần thực hiện nghiêm theo quy chế đã xây dựng; có quy trình kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài từ chất lượng, uy tín của sản phẩm. Chính quyền địa phương hỗ trợ và chỉ đạo ngành liên quan để hỗ trợ các chủ sở hữu xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu phối kết hợp giữa doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học nhằm giữ vững chất lượng nông sản, tạo lợi nhuận tối đa cho các sản phẩm hiện có.
 
Phụ nữ xã Tân An (huyện Đak Pơ) thu hoạch rau. Ảnh: Thiên Di
Người dân xã Tân An (huyện Đak Pơ) thu hoạch rau. Ảnh: Thiên Di
 
* P.V: Nhiều địa phương có nhu cầu hỗ trợ về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, Sở KH-CN đã hỗ trợ những gì trong thời gian qua, thưa ông?
 
- Ông Nguyễn Nam Hải: Sở KH-CN đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 2-7-2021 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030” và trình UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh tại Tờ trình số 9/TTr-SKHCN ngày 17-1-2022.
 
Cùng với đó, những năm qua, Sở KH-CN đã tích cực hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Đây là một trong những nhiệm vụ luôn được Sở KH-CN chú trọng, thúc đẩy trong xu thế hội nhập, phát triển.
 
Giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền cho 10 sản phẩm địa phương. Giai đoạn 2019-2020 có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là nhãn hiệu chứng nhận gạo Phú Thiện, rau An Khê và chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Năm 2021, có thêm 4 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ là chỉ dẫn địa lý “Chư Sê” cho sản phẩm hạt hồ tiêu và các nhãn hiệu chứng nhận phở khô Gia Lai, rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu-Chư Prông. Năm 2022, các sản phẩm: khoai lang Lệ Cần, bò Krông Pa, chôm chôm Ia Grai đang được hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, năm 2021, Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt 1 nhiệm vụ cấp Nhà nước “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh Gia Lai” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Hiện Sở KH-CN đang phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ này.
 
* P.V: Ông cho biết hướng hỗ trợ đối với các sản phẩm chờ cấp bằng cũng như các sản phẩm chuẩn bị lập hồ sơ đăng ký như thế nào?
 
- Ông Nguyễn Nam Hải: Sở sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, chú trọng việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.
 
Thời gian tới, Sở đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ địa phương.
 
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 
THIÊN DI (thực hiện)
 
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/744/202202/dang-ky-nhan-hieu-doc-quyen-dong-luc-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-nong-san-5767421/