|
  • :
  • :

Dâu tằm - cây giảm nghèo ở ba xã Đầm Ròn

Việc chia thành các tiểu vùng nhỏ và chọn những hướng đi phù hợp cho nông nghiệp của từng khu vực là giải pháp mà huyện Đam Rông đã và đang triển khai. Theo đó, tiểu vùng 3 gồm 3 xã Đầm Ròn: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông - nơi sinh sống của trên 90% dân số là đồng bào DTTS được xác định tập trung sản xuất lúa đồng trà, đồng vụ, chăm sóc nâng cao năng suất lúa và cà phê hiện có, đồng thời chuyển đổi diện tích trồng bắp, lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. 

 
 
Nhiều diện tích trồng bắp và lúa một vụ kém hiệu quả đang được bà con khu vực Đầm Ròn chuyển dần sang trồng dâu tằm
Nhiều diện tích trồng bắp và lúa một vụ kém hiệu quả đang được bà con khu vực Đầm Ròn chuyển dần sang trồng dâu tằm
 
Đến nay, dâu tằm đã bắt đầu bén rễ và đang trên đà phát triển ở Đầm Ròn. Huyện Đam Rông cũng tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cây dâu tằm phát huy hết hiệu quả ở tiểu vùng này.
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông, cho biết: Đầm Ròn là khu vực có nhiều diện tích đất ven sông, ven suối. Trước đây bà con thường sản xuất bắp, lúa một vụ trên diện tích này, song thu nhập rất thấp, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/sào/năm. Với đặc điểm thổ nhưỡng như vậy, cùng với các đặc tính khác của cây dâu tằm như: là loại cây ngắn ngày, đầu tư ít, kỹ thuật đơn giản và đầu ra ổn định nên địa phương đã bắt đầu đưa cây dâu tằm vào cơ cấu cây trồng của Đầm Ròn. Sau hơn 4 năm, hiệu quả của cây trồng này đã dần được chứng minh và đang có sự phát triển ở khu vực Đầm Ròn.
 
Đạ M’Rông là địa phương đứng đầu trong 3 xã Đầm Ròn về sản xuất trồng dâu, nuôi tằm. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’Rông cho biết: Đến thời điểm hiện tại, đã có 50,7 ha dâu tằm của 138 hộ sản xuất trên địa bàn xã. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 24,7 ha cho 87 hộ sản xuất. Hộ có diện tích dâu tằm lớn nhất là 0,5 ha. Hộ có diện tích trồng dâu nuôi tằm nhỏ nhất khoảng 0,1 ha. Ngoài phần lớn diện tích được sản xuất trên cánh đồng Cọp 12,5 ha, cánh đồng Chuối, cánh đồng Jơng Jri còn có trên 12 ha là diện tích xâm canh.
 
Xã Đạ M’Rông hiện có 67 hộ đang nuôi tằm. Trong đó, có 4 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Đặc biệt, có 10 hộ đã thoát nghèo nhờ trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn từ năm 2018-2021. Theo kết quả khảo sát của địa phương này, hiện có 32 hộ với 5,7 ha diện tích sản xuất lúa một vụ và bắp kém hiệu quả có nhu cầu chuyển đổi diện tích sang trồng dâu, nuôi tằm. Dự kiến năm 2021-2022, sẽ có thêm 20 ha dâu tằm được trồng ở Đạ M’Rông. Trong đó, khu vực cánh đồng Cọp với 6 ha, cánh đồng Chuối 5 ha, cánh đồng Jơng Jri 2 ha, diện tích xâm canh và một số diện tích nhỏ lẻ khác khoảng 7 ha. Dự kiến đến cuối năm 2021, khu vực Đầm Ròn sẽ có 82 hộ nuôi tằm. Con số này có thể tăng lên 105 hộ vào cuối năm 2022.
 
Còn tại xã Đạ Tông, hiện có 137 hộ trồng dâu trên diện tích 52,4 ha. Trong đó, có 105 hộ được Nhà nước hỗ trợ sản xuất trên diện tích 31,4 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 26,8 ha của 95 hộ sản xuất đang phát triển. Phần còn lại do không chăm sóc kỹ hoặc để trâu, bò thả rông phá dẫn đến nhiều diện tích dâu tằm bị chết. Toàn bộ diện tích trồng dâu trên được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả trên các cánh đồng Chiêng Tor, Păng Út, Buôn Yông, Đạ Kao, Liêng Trang, Đạ Nhinh. Toàn xã hiện có 53 hộ nuôi tằm. Trong đó, có 1 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo và 6 hộ mới thoát nghèo. Trước đây, do nhận thức của người dân về hiệu quả từ cây dâu tằm chưa cao nên một số hộ không dành nhiều tâm sức để chăm sóc. Tuy nhiên, hiện nay, năng suất dâu ở Đầm Ròn đã đạt khoảng từ 3-3,5 tạ lá/sào. Sau thời gian sản xuất ngắn đã có thể cho thu. 1 hộp kén sau nửa tháng nuôi cho thu khoảng 50 kg kén tằm với giá thị trường hiện khoảng 7 triệu đồng. Bà con đã nhận thấy rõ hiệu quả từ cây trồng này và hiện đang có nhiều hộ tập trung đầu tư, sản xuất. 
 
Nếu như Đạ M’Rông và Đạ Tông có thuận lợi về địa hình, đất đai, thổ nhưỡng thì việc diện tích đất sản xuất ít, địa hình dốc là khó khăn lớn cho xã Đạ Long trong sản xuất dâu tằm. Ông Lơ Mu Ha Poh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đạ Long cho biết: Địa phương hiện có 21 hộ trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6,7 ha.
 
Con số này đang rất khiêm tốn so với hai xã lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, bà con đã dần nhận thấy hiệu quả từ việc trồng dâu, nuôi tằm. Những kỹ thuật sản xuất cũng đang dần được người dân chủ động nắm bắt. Đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển cây dâu tằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con của xã Đạ Long, diện tích dâu tằm ở địa phương này khả năng cao sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới.
 
Ông Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông khẳng định: Trồng dâu nuôi tằm là hướng đi quan trọng giúp bà con Đầm Ròn từng bước thoát nghèo. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi các địa phương phải tập trung làm ngay. Các địa phương cần xây dựng nghị quyết chuyên đề để tập trung thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ sản xuất để biến đất trống, đất sản xuất kém hiệu quả thành bãi dâu. Biến trồng dâu nuôi tằm thành phong trào sản xuất trong Nhân dân.
 
Diện tích dâu và số hộ nuôi tằm tăng lên là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cây dâu và con tằm chỉ thực sự là hướng đi để từng bước thoát nghèo hiệu quả cho Đầm Ròn khi sự phát triển nằm trong tầm kiểm soát. Khi khâu sản xuất đạt về chất lượng và số lượng, đồng thời vấn đề đầu ra được đảm bảo ổn định thì mới có được niềm tin của người dân trong hành trình đưa Đầm Ròn từng bước thoát nghèo.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/dau-tam-cay-giam-ngheo-o-ba-xa-dam-ron-3076246/