|
  • :
  • :

Để phát triển sầu riêng theo hướng an toàn và bền vững

Cây sầu riêng (SR) có giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác, người dân có nhiều kinh nghiệm trong canh tác loại cây trồng này nên cây SR ngày càng được nông dân quan tâm đầu tư cải tạo và trồng mới. Tuy nhiên, sản xuất SR cũng đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, cần có

images2548802_BVL_a__2_.JPG (456×300)
Theo ngành nông nghiệp, sầu riêng là loại cây khó trồng, mẫn cảm với độ mặn. Đợt xâm nhập mặn cao điểm năm 2020 đã ảnh hưởng không ít diện tích trồng sầu riêng.
Cây sầu riêng (SR) có giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác, người dân có nhiều kinh nghiệm trong canh tác loại cây trồng này nên cây SR ngày càng được nông dân quan tâm đầu tư cải tạo và trồng mới. Tuy nhiên, sản xuất SR cũng đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, cần có giải pháp thích hợp để nâng cao chuỗi giá trị, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho trái SR.
 
Nhiều rủi ro khi phát triển diện tích ồ ạt
 
Có giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây tại nhiều địa phương có hiện tượng người dân chuyển đổi đất sản xuất sang trồng SR nhiều. Sau khi SR Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có lúc giá SR tăng trên 200.000 đ/kg, hiện tại đang có giá 60.000-70.000 đ/kg. 
 
Toàn tỉnh hiện có 4.383ha trồng SR, chiếm gần 11% diện tích cây ăn trái của tỉnh, sản lượng hàng năm là 44.872 tấn. Giống trồng chủ yếu là: Ri 6, Monthong, khổ qua xanh… Thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng sấy và cấp đông có thể xuất đi Trung Quốc, EU, Mỹ,…
 
So với năm 2020, diện tích SR đã tăng hơn 800ha. Và từ năm 2023 đến nay, diện tích trồng mới SR tăng nhiều hơn. Bên cạnh các vùng trồng tập trung như huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân… SR được mở rộng sang các vùng không tập trung như TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ, Trà Ôn… với diện tích gia tăng nhanh. 
 
Đốn bỏ 3 công trồng mít chuyển sang trồng SR được gần 1 năm, chú Nguyễn Văn Du (ngụ TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Hồi mới chuyển từ trồng lúa sang trồng mít, thu nhập rất khá vì hồi đó mít được giá. Nhưng chỉ được một thời gian thì mít mất giá, bán không ai mua nên gia đình tôi đã chặt bỏ và chuyển sang trồng SR, vì hiện SR cho lợi nhuận quá cao”. 
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, việc phát triển SR có nhiều thuận lợi như: tập quán canh tác truyền thống tạo nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác; vùng sinh thái bố trí canh tác phù hợp với cây trồng theo định hướng phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất theo quy mô tập trung; đất đai được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi khép kính nên chủ động trong tưới tiêu và xử lý cho trái mùa nghịch; có thể chủ động xử lý mùa nghịch và rải vụ để bán được giá cao…
 
Tuy nhiên, hạ tầng, máy móc, thiết bị, công nghệ chế biến, bảo quản phục vụ phát triển sản xuất chưa mạnh. Đa phần các vườn nằm sâu trong nội đồng dẫn đến việc vận chuyển đến các trục giao thông chính gặp khó khăn, không đảm bảo về yếu tố bảo quản và an toàn nông sản; tác động của biến đổi khí hậu nguy cơ ảnh hưởng, giảm diện tích vùng sản xuất.
 
Trong khi đó, SR cũng chưa tiếp cận đa dạng thị trường xuất khẩu, đảm bảo ổn định trong tiêu thụ. Đó là chưa kể, với lợi nhuận khá cao từ cây SR, dẫn đến tình trạng khai thác quá sức (cây cho trái sớm, xử lý ra hoa nghịch vụ, gia tăng sản lượng…) dẫn đến thiếu tính bền vững trong sản xuất.
 
Chú Nguyễn Văn Ba (ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cho hay: Ngành trồng SR đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, như thời tiết thất thường, khô hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, việc khai thác quá mức, đặc biệt xử lý ra hoa khi cây chưa đủ thời gian phục hồi sau thu hoạch làm cho cây SR suy yếu nhanh chóng. Liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa bền chặt, trong khi thị trường xuất khẩu cũng chưa ổn định và lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
 
Cần giải pháp phát triển bền vững
 
Có thể thấy, giá SR tăng, nhà vườn có lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng SR. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành hàng SR cũng đã đối mặt với không ít thách thức.
 
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, SR là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả khả năng đầu tư của người trồng. Do đó, không thể phát triển một cách ồ ạt. Chất lượng và sản lượng không đảm bảo sẽ dẫn đến khó khăn, gây thiệt hại cho người trồng. 
 
Theo ông Liêm, để phát triển ngành hàng SR theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững, đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng SR dài hạn cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
 
“Tác động của biến đổi khí hậu vùng trồng thường bị hạn hán, xâm nhập mặn, nước ngập… đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất SR nói riêng. Nguồn lực đầu tư trồng SR khá lớn, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn, bởi giai đoạn kiến thiết của cây SR từ 4-5 năm, dài hơn so với một số loại cây trồng khác. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi sang loại cây trồng này. Nông dân không nên tự mở rộng diện tích không có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật trồng SR và không trồng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp”- ông Liêm khuyến cáo.
 
Giá sầu riêng ở mức cao, mang lại hiệu quả cho người sản xuất lớn nên diện tích trồng cũng tăng hơn trước.
Giá sầu riêng ở mức cao, mang lại hiệu quả cho người sản xuất lớn nên diện tích trồng cũng tăng hơn trước.
Để phát triển SR bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và SR nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.
 
Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
 
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây SR; tăng cường công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay diện tích trồng SR đã vượt gấp đôi so với định hướng phát triển SR trong đề án phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025-2030 (khoảng 65.000-75.000ha, sản lượng 830.000-950.000 tấn). Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích SR cả nước hơn 150.000ha (tăng 146.800ha so với năm 2015), tương ứng với sản lượng SR tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Trước đó, Cục Trồng trọt cũng đã có công văn chỉ đạo phát triển cây SR tại các tỉnh, thành miền Nam. Trong đó, cảnh báo việc tăng diện tích cây SR một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dội chợ... Nghiêm trọng hơn là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn; vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng SR. 
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG 
 
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202405/de-phat-trien-sau-rieng-theo-huong-an-toan-va-ben-vung-3183090/