|
  • :
  • :

ĐH Sao Đỏ ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn

Trường Đại học Sao Đỏ phối hợp cùng Công ty Cổ phần thức ăn Chăn nuôi VTH (Hải Dương) đã ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thành công thức ăn dạng lỏng cho lợn, giúp lợn dễ tiêu hóa hơn và tăng cường sức đề kháng.

Đối với ngành chăn nuôi lợn, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi dạng lỏng hiện đang là xu thế của thế giới. Thức ăn dạng lỏng tận dụng được nguồn phế phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến, giúp giải quyết bài toán về môi trường. Đáng chú ý, nuôi lợn bằng thức ăn dạng lỏng cũng cho chất lượng thịt tốt hơn so với nuôi bằng thức ăn dạng khô.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về thức ăn dạng lỏng cho lợn còn hạn chế, chỉ mới tập trung vào nghiên cứu các nguyên liệu riêng rẽ, chưa có sự phối hợp các nguyên liệu thành một sản phẩm tích hợp dễ sử dụng đối với người chăn nuôi. Đối với tỉnh Hải Dương nói riêng, hiện cũng chưa có đơn vị nào nghiên cứu về thức ăn dạng lỏng cho lợn. Với suy nghĩ làm sao để tận dụng được những phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương như men bia, bã bia,…ThS. Nguyễn Đức Thắng cùng các cộng sự của Trường Đại học Sao Đỏ đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn, góp phần đáp ứng được nhu cầu về thức ăn dạng lỏng cho lợn của ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Sau một năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã xây dựng được 03 công thức phối trộn thức ăn dạng lỏng, gồm công thức cám dạng lỏng sử dụng bã rượu truyền thống, công thức cám dạng lỏng sử dụng bã malt, nấm men bia và công thức cám dạng lỏng sử dụng cám gạo và bã đậu. Quy trình phối trộn cũng được nhóm nghiên cứu kỹ lưỡng. Để phối trộn thức ăn dạng lỏng cho lợn, trước hết cần chuẩn bị đầy đủ số lượng nguyên liệu thức ăn và nghiền nhỏ các loại nguyên liệu này để đảm bảo hỗn hợp được trộn đều và quá trình thủy phân bằng enzyme đạt hiệu quả. Tiếp theo, cân khối lượng từng nguyên liệu theo định lượng trong công thức, để riêng từng nhóm để trộn dần theo từng bước. Sau đó, trộn bột với nước sạch ở nhiệt độ 20 - 31oC theo tỷ lệ trộn bột với nước là 1kg bột :4 lít nước. Cuối cùng, tiến hành thủy phân và trộn hoàn thiện để đồng nhất thành phần trong cám.
Nuôi lợn bằng thức ăn dạng lỏng cho chất lượng thịt tốt hơn so với nuôi bằng thức ăn dạng khô. (Ảnh minh họa: https://biosacotec.com/)
ThS. Nguyễn Đức Thắng - Chủ nhiệm đề tài cho biết, quy trình công nghệ sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn không phức tạp, sử dụng các thiết bị thông thường nên có thể chuyển giao công nghệ, sẵn sàng ứng dụng cho triển khai sản xuất quy mô công nghiệp. Vì vậy, bất kỳ trang trại nuôi lợn nào cũng đều có thể tiếp nhận quy trình công nghệ để ứng dụng trong chăn nuôi lợn, tận dụng cơ sở vật chất hiện có mà không phát sinh nhiều chi phí.
Từ sản phẩm cám dạng lỏng sản xuất được, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi thử nghiệm lợn tại Trang trại vệ tinh của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi VTH là hộ gia đình ông Nguyễn Đình Sinh (Khu dân cư Mít Sắt, phường Thái Học, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
“Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm nuôi 45 con lợn sử dụng thức ăn dạng lỏng do đề tài sản xuất. Theo đó, với mỗi công thức thức ăn, chúng tôi thử nghiệm nuôi 15 con. Song song với đó, chúng tôi cũng nuôi lợn đối chứng bằng thức ăn công nghiệp dạng viên bán trên thị trường” – ThS. Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Kết quả cho thấy, sau bốn tháng, chỉ tiêu tăng khối lượng cao nhất ở lô đối chứng là 84,14kg, công thức cám từ bã rượu là 84,03kg, công thức cám từ bã malt và nấm men là 81,85kg và công thức cám từ cám gạo và bã đậu là 82,92kg. Sự tăng khối lượng không có sự khác nhau giữa đối chứng và 03 công thức cám của đề tài, nhưng có sự sai khác so với công thức cám từ bã rượu và công thức cám từ bã malt và nấm men. Điều này cho thấy khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn ở công thức cám từ bã rượu tương đương với đối chứng là tốt nhất trong các công thức. Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế khi nuôi lợn bằng thức ăn lỏng từ bã rượu (trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 12 năm 2019) còn cho lợi nhuận trung bình cao nhất trong 3 công thức cám, là 5.4 triệu đồng/con.
Đặc biệt, thịt lợn được nuôi bằng thức ăn dạng lỏng do đề tài sản xuất có chất lượng thịt tốt, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều và bề mặt dẻo dính. So sáng chất lượng thịt sau luộc chín, thịt lợn nuôi bằng thức ăn lỏng có mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt, không có mùi vị lạ, nước luộc thịt có mùi thơm, ngọt, trong, váng mỡ to và ít bọt.
Tại Hải Dương, chăn nuôi đang là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi lợn đứng ở vị trí số một về quy mô sản xuất, giá trị hàng hóa chiếm 80-82% giá trị ngành chăn nuôi. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, giá thành sơ bộ của sản phẩm thức ăn dạng lỏng cho lợn là 4,200đ/kg. Với giá thành này cộng với những ưu điểm sẵn có, sản phẩm thức ăn lỏng do đề tài nghiên cứu được đánh giá là có tiềm năng lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh Hải Dương. Sản phẩm tận dụng được các phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường.  
Theo đánh giá của nhóm tác giả, về mặt kinh tế, lợi nhuận khi nuôi lợn bằng thức ăn dạng lỏng của đề tài cao hơn khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp trung bình từ 482.000 đồng đến 857.000 đồng/con (tùy theo từng loại công thức cám lỏng sử dụng).
Hà Nguyễn
Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t2113/dh-sao-do-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-san-xuat-thuc-an-dang-long-cho-lon.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin