Đến nay, TP Cần Thơ được cấp có 59 mã số vùng trồng cho cây ăn trái. Trong ảnh: doanh nghiệp thu mua ổi của nông dân tại huyện Thới Lai. |
Mã số vùng trồng rất hữu ích
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho vườn cây ăn trái không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt quá trình sản xuất và có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.
Qua đó, cũng mang đến các tác động và hiệu quả tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.
Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long Mỹ Tịnh An ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Trước đây, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, trái thanh long của HTX không thể xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và Úc vì họ yêu cầu phải có mã số vùng trồng.
Từ năm 2015, được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất đạt theo tiêu chuẩn Global GAP thì thanh long của HTX đã được xuất khẩu vào Mỹ, Úc và mở rộng thị trường xuất khẩu tại nhiều nước ở châu Á và châu Âu.
Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu của HTX được đa dạng hơn, uy tín của HTX được nâng cao, khách hàng của HTX ngày càng nhiều, giúp thành viên của HTX ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập”. HTX thanh long Mỹ Tịnh An thành lập năm 2009, có 100 thành viên, tăng 60 thành viên so lúc đầu, với tổng diện tích sản xuất 120ha.
Khởi đầu từ Tổ hợp tác sản xuất trồng cây ăn trái, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX cây ăn trái Thái Thanh thành lập vào năm 2018 tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
HTX có 20 xã viên, với 120ha trồng cây ăn trái. Nhờ tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng, mặt hàng thanh nhãn của HTX cây ăn trái Thái Thanh cũng đã được xuất khẩu sang Singapore và các thị trường khó tính như Mỹ và Úc.
Theo ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX cây ăn trái Thái Thanh, HTX tham gia xuất khẩu thanh nhãn đi thị trường các nước thông qua hợp đồng mua bán với Công ty Chánh Thu và Công ty Vina T&T.
Cụ thể, thanh nhãn của HTX xuất khẩu đi Mỹ năm 2018-2019, Úc và Singapore năm 2020, dự kiến năm 2022 sẽ là thị trường Nhật. Sản lượng thanh nhãn xuất khẩu mỗi năm khoảng 30 tấn.
Đến nay, hầu hết diện tích vùng trồng của HTX đã được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, các vùng trồng có mã số này đều thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp do các công ty đăng ký và quản lý sử dụng mã số.
Ông Suốt cho biết thêm: “Trước đây, khi các hộ dân còn tự ai nấy làm, ít chịu tìm hiểu và chia sẻ, học hỏi lẫn nhau thì mẫu mã, chất lượng trái nhãn không đồng đều và bán giá thấp do hầu hết bán xô và tiêu thụ nội địa là chính.
Tuy nhiên, sau khi liên kết sản xuất và có mã số vùng trồng, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cách khắc phục những vấn đề gặp phải trong sản xuất đã giúp tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều và được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá cao hơn 20% so với bán cho thương lái tiêu thụ nội địa”.
Cần hỗ trợ nông dân
Trái cây muốn xuất khẩu tại nhiều nước và bán giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Tuy nhiên, do chưa rành về các quy trình xây dựng và thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng nên nông dân còn lúng túng trong thực hiện. Nông dân trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương còn gặp khó do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa liên kết giữa các hộ trồng cây.
Ngoài ra, nông dân tại nhiều HTX trồng cây ăn trái xuất khẩu cũng chưa chủ động xây dựng mã số cho riêng mình mà để doanh nghiệp liên kết thu mua xuất khẩu tự đăng ký, dẫn đến HTX chưa có quyền sở hữu mã số...
Tới đây, ngành chức năng cần quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp người dân tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được mã số vùng trồng.
Thời gian qua, việc thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được nước ta thực hiện đối với nhiều sản phẩm cây trồng xuất khẩu để đáp ứng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Để quản lý vùng trồng, Quốc hội cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt năm 2018. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao hướng dẫn cho công tác cấp mã số vùng trồng.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn, xây dựng tài liệu tập huấn cho các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng thời, chịu trách nhiệm cấp mã số, đàm phán với các nước chấp nhận mã số và là đầu mối làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của các nước nhập khẩu...
Theo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất so với các vùng miền khác trong cả nước, với 1.258 mã số, chiếm gần 37% trên tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. Toàn bộ các mã này đều được cấp cho cây ăn trái.
Hiện Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cũng như quản lý, giám sát và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh ĐBSCL được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… cả cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)