Trồng dưa lưới trong nhà kính đạt chuẩn VietGAP.
Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (gọi chung là VietGAP) cho các đối tượng HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp và thủy sản an toàn; không bao gồm HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi gia công.
Các chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: Sản phẩm lĩnh vực trồng trọt gồm rau, quả, lúa; sản phẩm lĩnh vực chăn nuôi như heo, gia cầm, bò sữa, ong lấy mật; sản phẩm lĩnh vực thủy sản coq cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi. Các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Sản phẩm lĩnh vực trồng trọt, nấm, mì, mía, dược liệu; sản phẩm lĩnh vực chăn nuôi có bò thịt; sản phẩm lĩnh vực thủy sản: tôm càng xanh, cá lóc, cá rô, baba, lươn, ếch, cua đồng.
Nghị quyết hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP: Mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần bằng 50% tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu áp dụng quy trình VietGAP, mức kinh phí hỗ trợ không quá 100 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và không quá 20 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Hỗ trợ đào tạo, tập huấn: Mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo Quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần 70% kinh phí đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động tại cơ sở sản xuất áp dụng Quy trình VietGAP, mức kinh phí hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm.
Hỗ trợ thuê tổ chức chứng nhận đánh giá sản xuất theo Quy trình VietGAP. Mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo Quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần 100% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận sản xuất theo Quy trình VietGAP, mức kinh phí hỗ trợ không quá 60 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và không quá 70 triệu đồng đối với sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, cụ thể:
Đối với cơ sở đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu, hỗ trợ 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo Quy trình VietGAP; 30% còn lại sẽ hỗ trợ khi cơ sở đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận; Đối với cơ sở đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo Quy trình VietGAP nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí đăng ký cấp Giấy chứng nhận từ nguồn ngân sách nhà nước thì được hỗ trợ 100%.
Theo đó, việc hỗ trợ chỉ được thực hiện sau khi sản phẩm được đánh giá, chứng nhận VietGAP. Cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các nội dung, thông tin đã cung cấp.
Sơ chế rau ăn lá.
Trường hợp cơ sở có sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP trước khi chính sách ban hành, chưa được hỗ trợ kinh phí đăng ký cấp giấy chứng nhận từ nguồn ngân sách nhà nước, khi đăng ký chứng nhận lại được đề nghị hỗ trợ kinh phí áp dụng VietGAP đối với các chính sách tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết này.
Hỗ trợ phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí: Mỗi sản phẩm đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP được hỗ trợ một lần 100% kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí khi thực hiện áp dụng quy trình VietGAP, mức kinh phí hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm.
Nhi Trần