Thường năm, với giá vật tư ổn định, theo tính toán sau khi trừ các chi phí đầu tư, mỗi sào lúa còn lãi trên dưới 700 ngàn đồng; các loại cây trồng phổ biến khác cũng vậy, nông dân chủ yếu lấy công làm lãi. Với giá vật tư tăng phi mã như hiện nay, nông dân lỗ là chuyện chắc.
Đã có nhiều giải pháp đưa ra từ cơ quan chức năng, nhằm giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu tư như hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả vừa đủ, châm phân tự động, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài cần thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế thói quen lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và cũng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; trong đó, sản xuất theo hướng hữu cơ là vấn đề then chốt.
Lâu nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất được chính quyền và nhiều doanh nghiệp khuyến khích, bởi nhiều lợi ích về sức khỏe, môi trường; nhất là sản phẩm làm ra được các thị trường khó tính, kênh tiêu thụ lớn đón nhận; theo đó, giá trị nông sản hữu cơ cao gấp nhiều lần so với nông sản có sử dụng các loại vật tư vô cơ.
Mặt khác, phân bón hữu cơ thường có sẵn trong quá trình chăn nuôi, các phụ phẩm từ nông nghiệp nên người nông dân có thể chủ động được. Tuy nhiên, trong thực tế, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn; trong khi, việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn phổ biến. Nguyên nhân này một phần xuất phát từ tâm lý của người nông dân.
Về môi sinh, sử dụng phân hữu cơ thì đất tơi xốp, chất dinh dưỡng tồn tại lâu, cây trồng khỏe hơn; song việc chuyển đổi sản xuất từ một cánh đồng có thời gian dài được chăm sóc bằng vô cơ sang hữu cơ không thể mang lại kết quả ngay mà phải trải qua một vài vụ. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của người nông dân cũng như sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn mới mong thành công. Bởi trong thực tế, không ít nông dân khi đã cam kết sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng vụ đầu thấy ruộng mình không tốt bằng ruộng người khác nên ban đêm tự ý đem phân vô cơ ra để bón.
Trong liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giữa doanh nghiệp và nông dân cũng xảy ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười: Một siêu thị ký kết trồng rau sạch với một nhóm hộ nông dân với giá 10 ngàn đồng/kg, tới kỳ thu hoạch, có doanh nghiệp ở nơi khác đến thu mua giá 15 ngàn đồng; vậy là nông dân đã nhổ bán cho doanh nghiệp này hết… Một công ty lương thực ký kết sản xuất lúa hữu cơ tại một địa phương với giá 9 ngàn đồng/kg; đến kỳ thu hoạch giá lúa lên 12 ngàn đồng/kg, nông dân đã không chịu bán cho công ty mà nói lúa đủ để ăn; do đụng đến vấn đề an ninh lương thực nên công ty này phải đành ngậm đắng nuốt cay. Hay hợp đồng trồng khoai lang giữa một công ty và HTX nọ, trong hợp đồng chỉ trồng một ha, nông dân tự ý mở rộng diện tích thành ba ha, đến kỳ thu hoạch chở lên sân HTX bảo năm nay khoai được mùa, yêu cầu công ty phải thu mua hết…
Dẫn dụ để thấy, sự tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất kinh doanh của nông dân là một trong những lực cản trong xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng là cơ hội để nông dân chuyển sang hướng canh tác mới, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nông dân vẫn rất cần sự tuyên truyền, tập huấn những kiến thức nông nghiệp hữu cơ, quy định sản xuất kinh doanh cũng như những ràng buộc trong liên kết mới có thể thành công.
ĐẶNG THÀNH