|
  • :
  • :

Kinh nghiệm từ Mỹ: Xây dựng trang trại lân cận phục vụ toàn bộ đô thị

Một chương trình mới ở Atlanta giúp những người nông dân quy mô trung bình mua đất của riêng họ trong khi cung cấp thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng thành thị.

 

Đối với những cây trồng đầu tiên trên vùng đất mới của mình, trang trại Love Is Love chọn cây su su và khoai lang. Ảnh: NY Times.
Đối với những cây trồng đầu tiên trên vùng đất mới của mình, trang trại Love Is Love chọn cây su su và khoai lang. Ảnh: NY Times.

Joe Reynolds và Judith Winfrey, cặp vợ chồng bắt đầu xây dựng trang trại Love Is Love 13 năm trước, cách trung tâm thành phố Atlanta không xa, là một trong những người thuộc thế hệ nông dân Mỹ không có đất trồng lương thực, phải canh tác trên những cánh đồng đi thuê.

Họ không có trang trại gia đình để thừa kế và chỉ canh tác khoảng 0,8 héc-ta, với lượng lương thực vừa đủ để bán cho một số ít nhà hàng và khoảng 200 khách hàng trả tiền đăng ký sản phẩm theo mùa. Đây không phải là một mô hình kinh doanh tạo ra đủ thu nhập giúp họ có thể mua trang trại riêng.

Quỹ Working Farms muốn thay đổi điều đó. Cặp vợ chồng này là những người hưởng lợi đầu tiên từ một chương trình mới đầy tham vọng, mua những vùng đất nông nghiệp rộng lớn gặp khó khăn về phát triển và cho nông dân thuê, giúp họ tiết kiệm tiền đủ để mua trang trại riêng - với sự đảm bảo rằng các tổ chức địa phương như trường đại học và bệnh viện sẽ mua càng nhiều thực phẩm khi những người nông dân muốn bán.

Chương trình là một phần của nỗ lực nông nghiệp quốc gia mới của Quỹ Bảo tồn, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cân bằng giữa việc giữ gìn môi trường và phát triển kinh tế. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1985, quỹ đã bảo vệ hơn 3.200.000 héc-ta đất nông nghiệp.

Chương trình mới nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa các trang trại nhỏ, đô thị và các trang trại lớn, công nghiệp hóa cao - với cái thường được gọi là nông nghiệp trung lưu, các trang trại quy mô trung bình từng nuôi sống phần lớn đất nước Hoa Kỳ nhưng bắt đầu suy giảm vào những năm 1950 và những năm 1960.

Theo sự phát triển của chương trình, các trang trại đô thị bắt đầu mọc lên ở hầu hết các vùng của xứ cờ hoa, và sự đánh giá cao hơn đối với thực phẩm hữu cơ được trồng tại địa phương.

Mindy Goldstein, người chỉ đạo Văn phòng Luật Môi trường Turner, thuộc Đại học Emory cho biết họ đang tìm cách mở rộng mô hình vì nhận thấy cần hệ thống thực phẩm lớn mạnh xung quanh các trung tâm đô thị để có thể cung cấp cho các thành phố như Atlanta hoặc Chicago.

Trong nỗ lực đầu tiên, Quỹ Working Farms Fund đang mua những mảnh đất rộng 80 đến hơn 200 héc-ta trong bán kính 160 km của đô thị Atlanta và chỉ phục vụ cho mục đích nông nghiệp thông qua biện pháp bảo tồn. Quỹ sẽ cho những nông dân thuê đất, những người đã làm việc với quỹ để phát triển các kế hoạch kinh doanh bao gồm tiết kiệm tiền để mua ngay trang trại của họ trong vòng 10 năm.

Bởi vì giá trị của bất động sản có thể giảm tới 60% khi được đưa ra khỏi thị trường thương mại và trở thành đất nông nghiệp, các mảnh đất này trở nên có giá cả phải chăng hơn.

Stacy Funderburke, cố vấn khu vực của Quỹ Bảo tồn, người đã phát triển chương trình trong một thập kỷ cho biết, mục đích của Quỹ là mua gần 5.000 héc-ta gần Atlanta, giúp thành lập 150 doanh nghiệp trang trại và hỗ trợ bốn hoặc năm cụm trang trại khu vực trong 20 năm tới.

Quỹ ủy thác nông nghiệp giúp nông dân trẻ mua đất không phải là điều mới, nhưng Quỹ Working Farms đã đưa ý tưởng này đi xa hơn vì giúp nông dân trở thành một phần của mạng lưới tạo ra một trang trại làm việc lành mạnh về tài chính, bao gồm các hợp đồng với khách hàng là các tổ chức.

Tại Atlanta, Đại học Emory và hệ thống bệnh viện của trường đã đồng ý ký các thỏa thuận thu mua thực phẩm với nông dân, sau đó nông dân có thể sử dụng các hợp đồng đó để đảm bảo các khoản vay nhằm cải thiện trang trại. Đổi lại, các trang trại giúp Emory tiến gần hơn đến mục tiêu sử dụng thực phẩm được trồng tại địa phương và bền vững trong 75% bữa ăn tại trường đại học và 25% trong hệ thống bệnh viện.

Quỹ Working Farms sử dụng các khoản tài trợ từ các tổ chức và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, và tiền từ Quỹ Bảo tồn, đã dành 2 triệu USD cho dự án. Tiền từ việc cho thuê và cuối cùng là bán một trang trại sẽ được trả lại vào chương trình mua thêm đất.

Quỹ ưu tiên tuyển dụng những nông dân thiểu số và thế hệ thứ nhất, những người trước đây không có khả năng sở hữu đất đai. Global Growers, một tập thể nông dân nhập cư và tị nạn Atlanta, là nhóm thứ hai thuê trang trại theo chương trình, và Hiệp hội Nông dân Mỹ gốc Hàn Georgia tiếp theo đó.

Chương trình chỉ phù hợp với những nông dân và nhóm nông dân muốn sở hữu đất đai của riêng họ mà không được thiết kế để hỗ trợ cho những người nông dân muốn thuê trong một thời gian dài.

Mục tiêu tiếp theo của quỹ là Chicago, nơi tập trung nhiều nông dân trẻ và thiểu số ở Illinois và hàng triệu héc-ta đất có thể canh tác trong vòng 160 km. Phần lớn diện tích đất đó đã được sử dụng để thâm canh hóa chất đối với các loại cây hàng hóa như ngô, hoặc thiếu các loại cơ sở hạ tầng cần thiết để trồng và chế biến trái cây và rau quả.

Emy Brawley, Giám đốc khu vực Great Lakes của Quỹ Bảo tồn cho biết: “Tất cả các yếu tố thuộc chương trình ở đây đều quá chín muồi. “Chúng tôi có rất nhiều nông dân và rất nhiều đất đai, nhưng đất cần được cải tạo lại để có thể hỗ trợ sản xuất lương thực”.

Các chủ sở hữu của trang trại Love Is Love sẽ tiếp tục canh tác trên mảnh đất 1,6 héc-ta thuê ở Atlanta cho đến cuối năm nay, nhưng họ đang chuyển sự chú ý sang vùng đất mới của họ. Họ đang cho thuê, khoảng 28,3 héc-ta ở thị trấn Mansfield nhỏ bé, cách thành phố khoảng 80 km.

Vùng đất mới của họ cũng đã mở ra cánh cửa cho những cơ hội khác. Vợ chồng Winfrey-Reynolds, đều ở độ tuổi 40, đã cùng với ba nông dân trẻ tuổi khác biến Love Is Love thành một hợp tác xã do công nhân làm chủ. Ý tưởng là tạo ra một cái gì đó có thể được truyền lại.

“Joe và tôi là những người lớn tuổi ở đây,” Winfrey nói. “Bởi vì có đất được bảo tồn mãi mãi và một cấu trúc kỹ thuật có thể tồn tại mãi mãi, chúng tôi có thể ra ngoài khi sẵn sàng và biết ai đó mới có thể đến và tiếp tục công việc này”.

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/kham-pha/nhin-ra-the-gioi/202108/kinh-nghiem-tu-my-xay-dung-trang-trai-lan-can-phuc-vu-toan-bo-do-thi-780434/
Tin liên quan
Chưa có thông tin