|
  • :
  • :

Kon Tum: thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học, phục vụ phát triển bền vững đến năm 2030

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30-01-2023 của Bộ Chính trị “về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới”.

Mục tiêu nhằm phấn đấu xây dựng nền công nghệ sinh học của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước; các sản phẩm công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh xác định đến năm 2030 sẽ tiếp nhận, làm chủ từ 07-10 quy trình công nghệ chọn tạo và nhân nhanh các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao, trong đó có 05-07 quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm sinh học; kit chẩn đoán, giám định và phát hiện sinh vật gây hại, các loại bệnh, hoạt chất cấm trong nông nghiệp. Phát triển công nghệ sinh học trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm định, kiểm nghiệm nguồn gốc, chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu có giá trị kinh tế khác phục vụ công tác quản lý và sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh. 
Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Kon Tum (Ảnh: samtuoingoclinh.com/)
Đồng thời, tập trung nguồn lực, nhân lực để tiến hành thu hút, đầu tư phát triển 02-03 Trung tâm, tổ chức, doanh nghiệp (trong và ngoài công lập) có tiềm lực công nghệ sinh học học đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ công nghệ để tổ chức chuyển giao, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường… Thu hút 05-07 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, công nghiệp thực phẩm, y tế… và trên 50% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, môi trường triển khai ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc sinh học đạt chất lượng, đảm bảo an toàn.
Tiếp tục phát triển đến tầm nhìn năm 2045, tỉnh Kon Tum cơ bản sở hữu nền công nghệ sinh học phát triển đạt mức trung bình chung của cả nước, ghi nhận tỷ lệ trên 70% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn; thu hút 10-15 doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm sinh học phục vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, công nghiệp thực phẩm, y tế…
Cùng với việc xác định mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum còn đề xuất triển khai 05 nhóm nhiệm vụ nhằm đảm bảo thành công việc thực hiện các mục tiêu, bao gồm: 
Một là, triển khai hoạt động tuyên truyền về công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ sinh học một cách phổ biến, quán triệt tới từng doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng.
Hai là, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học sao cho phù hợp với yếu tố đặc thù của tỉnh Kon Tum; thường xuyên thực hiện rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật về công tác phát triển, đảm bảo việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh được diễn ra thông suốt, hiệu quả.
Ba là, tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống, đưa công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong những lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, y - dược, môi trường và sản xuất đời sống; 
Bốn là, xây dựng nguồn lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các tổ chức công lập của tỉnh.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học với các tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao trong lĩnh vực sinh học; hỗ trợ và phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ sinh học chất lượng và nâng cao hiệu quả  trong hoạt động phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm… phục vụ trong công tác quản lý và hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Giống với các tỉnh Tây Nguyên khác, công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực, áp dụng trong một số nghiên cứu ghi nhận kết quả khả quan: ghép chồi cà phê đầu dòng TR5, TR9, TR10 để tạo ra những dòng cà phê chất lượng, thay thế cho những vườn cà phê vối kém chất lượng và năng suất thấp; lai tạo ra các giống vật nuôi như lợn siêu nạc, vịt siêu trứng, bò lai sind, dê Bách Thảo… năng suất và hiệu quả kinh tế cao, đưa ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh đi theo hướng bền vững.
Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, tỉnh Kon Tum cũng thực hiện nhiều giải pháp, đưa tuyên truyền trở thành hoạt động trọng tâm để nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và mọi người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò và ứng dụng quan trọng của công nghệ sinh học, gắn chặt nội dung phát triển công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông tin chi tiết, xem tại đây.
Quang Ngọc
Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t3104/kon-tum-thuc-day-phat-trien-cong-nghe-sinh-hoc-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-den-nam-2030.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin