Tham gia kinh tế tập thể sẽ giúp nông dân gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống. |
(VLO) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hợp tác xã (HTX) là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn. HTX sẽ tạo ra giá trị cao hơn, đa dạng hóa sản phẩm thay vì chỉ bán nông sản thô. Và để hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị thì kinh tế tập thể, HTX là giải pháp cơ bản để thực hiện.
Định vị lại vai trò của HTX
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, để phá bỏ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tích hợp đa giá trị thì kinh tế tập thể, HTX là giải pháp cơ bản để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phù hợp với tính đặc thù của ngành nông nghiệp, địa bàn, hệ thống sản xuất và quy mô hoạt động của HTX; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước.
Đặc biệt, cần phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tính đặc thù, điều kiện của địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của hộ nông dân.
Ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết, với sự xuất hiện của các HTX chúng ta thấy rằng, chất lượng nông sản được tăng lên. Các sản phẩm được bán trên thị trường đảm bảo được tính an toàn, có mẫu mã…
Thông qua các HTX thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, trở thành đối tác của nông dân. Nhiều HTX xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển thị trường. Sự xuất hiện của các HTX trong nông thôn giúp cho các chương trình, chính sách của Nhà nước có địa chỉ đi đến để đầu tư hiệu quả.
Theo ngành nông nghiệp, trước hết, HTX phải thật sự nỗ lực, tích cực học hỏi, năng động tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là tạo dựng thương hiệu cho nông sản của mình, làm sao để hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX vẫn phát triển ổn định, nhất là trong tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay.
Theo đó, HTX cần áp dụng đúng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… mà công ty, doanh nghiệp đã đặt hàng liên kết sản xuất; chủ động hợp tác với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chủ động trong việc đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Với quy mô sản xuất đủ lớn, HTX mới xây dựng được thương hiệu cho từng vùng nguyên liệu với quy trình sản xuất đồng bộ, giải được bài toán giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra”.
Bộ trưởng nhận định, hiện nay một số địa phương vẫn đang thiếu sự quan tâm đến HTX. Và Nghị quyết mà Chính phủ ban hành về HTX nông nghiệp sắp tới sẽ định vị lại vai trò, tầm quan trọng cũng như thay đổi nhận thức của xã hội, của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về giá trị, sứ mạng của HTX, của kinh tế tập thể trong tiến trình chuyển đổi của nền nông nghiệp Việt Nam.
“Cuộc cách mạng” thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp
Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị vừa ban hành về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo bước đột phá mới để phát triển vùng ĐBSCL.
Nghị quyết đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và rất mới mẻ với một loạt giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp vẫn là nguồn kinh tế trọng điểm của vùng. Thời gian tới, cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề nội tại để phát triển toàn diện và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, phải có “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất, có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả các địa phương. Bên cạnh, hạ tầng giao thông được xem là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL.
Trước thực tế hạ tầng giao thông trong vùng vẫn thiếu và yếu, giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí trong các chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 220 về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 220 của HĐND tỉnh, bước đầu đạt được kết quả nhất định, có 1 dự án được phê duyệt với số vốn hỗ trợ trên 5 tỷ đồng là Dự án liên kết “Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2024” chủ trì liên kết là Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc.
Riêng Dự án “Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế- chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm khoai lang” với chủ đầu tư là Công ty CP Khoai lang Nhật Thành, kinh phí đề nghị hỗ trợ dưới 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh đánh giá, đối tượng thụ hưởng còn ít, chỉ có 4 đơn vị đăng ký vì các quy định của chính sách hỗ trợ còn khắt khe.
Cần tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 220 để thu hút các HTX tham gia; khẩn trương phối hợp giữa Sở Nông nghiệp-PTNT với UBND huyện hỗ trợ giải quyết những khó khăn, ổn định hợp đồng giữa nông dân với HTX, tìm cách thức phù hợp để nhanh chóng giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các HTX đầu tư sản xuất kinh doanh; phải trẻ hóa và nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý HTX.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đảm bảo mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông nghiệp và công nghiệp.
Song song đó, cần có chính sách và nâng cao trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất thực phẩm.
Ngành nông nghiệp kiến nghị Trung ương xem xét để bổ sung các chính sách xem sản xuất nông nghiệp là ngành có điều kiện; phải hiểu biết về an toàn thực phẩm để sản xuất ra thức ăn cho người tiêu dùng.
Có thể áp dụng việc đăng ký sản xuất nông sản hàng hóa thông qua HTX, giao trách nhiệm cho các HTX đảm bảo chất lượng hàng hóa; nếu nông hộ sản xuất không đảm bảo chất lượng thì không được lưu thông trên thị trường.
Có như vậy mới đảm bảo cho nông sản mất an toàn không được mua bán trên thị trường. Để làm được điều này, cần có lộ trình để người dân thích nghi.
Chỉ khi sản xuất nông nghiệp có thể kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm thì mới có thể phát huy được lợi thế sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ uy tín và tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với tinh thần của Nghị quyết số 13 nói chung và Nghị quyết 220 nói riêng, cùng những nhận định chuyên môn của ngành chức năng, tin rằng tỉnh Vĩnh Long sẽ tích cực thực hiện ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, trong đó vai trò HTX trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đóng vai trò quan trọng để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân.
Phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ. Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức theo chuỗi giá trị trong sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất; tăng cường củng cố, hỗ trợ khuyến khích HTX nông nghiệp và các tổ hợp tác. |
Bài, ảnh: YẾN LY