|
  • :
  • :

Kỳ vọng mang nét đặc trưng gốm đỏ lên tầm cao mới

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long thật sự là “ngôi nhà chung“ của các doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch gốm. Các DN tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao giá trị sản phẩm gốm Vĩnh Long.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đặt yêu cầu: “Hiệp hội Gạch gốm Mỹ nghệ Vĩnh Long cần phát triển mạnh mẽ, trở thành “đại sứ” đưa tinh hoa, hồn cốt văn hóa Vĩnh Long ra khắp cả nước và thế giới”.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long thật sự là “ngôi nhà chung” của các doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch gốm. Các DN tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao giá trị sản phẩm gốm Vĩnh Long.

Nỗ lực bảo tồn và phát triển ngành gạch gốm

Trước những khó khăn khiến sản xuất kinh doanh của các DN ngành gạch gốm bị ảnh hưởng lớn, ông Hồ Văn Minh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long nhiệm kỳ 2017-2023, cho biết: “BCH hiệp hội, hội viên quyết tâm nỗ lực, phấn đấu để vượt qua, vực dậy ngành gạch gốm. Đặc biệt là sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành đối với công tác phát triển hiệp hội và phát triển các DN sản xuất gạch gốm”.

Thực hiện đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm và đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long, đến nay, BCH hiệp hội đã phối hợp với Sở Công Thương chuyển giao 26 lò nung liên hoàn cho 24 DN, cơ sở sản xuất gạch gốm.

Qua đó, giúp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, mẫu mã mới được quan tâm thực hiện để phát triển sản phẩm gốm, nâng cao giá trị sản phẩm gốm đỏ của tỉnh.

Hiệp hội đã liên kết với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nghiên cứu tạo ra các sản phẩm gốm mang nét đặc trưng của tỉnh gắn với hình ảnh các vị anh hùng dân tộc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước có xuất thân từ tỉnh Vĩnh Long; các sản phẩm đặc trưng khác như cam sành Tam Bình, bưởi năm roi Mỹ Hòa, khoai lang Bình Tân...

Hiệp hội đã tích cực tổ chức các gian hàng trưng bày, triển lãm sản phẩm gốm đỏ; tham gia tổ chức Festival Nông sản và Hội chợ Công thương vùng ĐBSCL- Vĩnh Long năm 2023, nhất là thực hiện thành công sự kiện “Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long” và “Trưng bày gian hàng gốm”…

Hiện hiệp hội đang phối hợp Sở Công Thương thực hiện đề án nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh; phối hợp Sở Văn hóa-TT-DL thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít… góp phần hỗ trợ bảo tồn và phát triển ngành gạch gốm.

Đưa hoạt động hiệp hội ngày càng hiệu quả

Bày tỏ trăn trở khi ngành gốm đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, ông Nguyễn Minh Ký- Công ty TNHH MTV Nam Hiệp Hòa, kiến nghị “tỉnh cần quan tâm nhiều hơn khâu ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất cho các DN sản xuất gốm”.

Bà Võ Lê Diệu Phương- DNTN Tân Hiệp Phát II, “hiến kế” để ngành gốm phát triển gắn kết với du lịch, ngành gốm cần bảo tồn trên cơ sở duy trì các sản phẩm gốm truyền thống và phát triển thêm sản phẩm mới phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng; chuẩn bị hạ tầng phục vụ khách tham quan…

Tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ mới, bà Đoàn Thị Ngọc Diệp cho biết, hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ nung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phấn đấu có ít 80% hội viên sử dụng công nghệ nung cải tiến giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh, tiếp tục nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới. Đồng thời, chú trọng thị trường nội địa cho cả gạch và gốm, phát huy hiệu quả nhãn hiệu “gạch nung Vĩnh Long” và “gốm đất đỏ Vĩnh Long”.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, hiệp hội cần tiếp tục phát huy vai trò liên kết các DN với nhau để hoạt động ngày càng hiệu quả, tiếp tục phát triển thế mạnh sản phẩm gốm với màu đỏ mang nét đặc trưng riêng của tỉnh lên tầm cao mới. Đồng thời, tiếp tục thể hiện vai trò là cầu nối giữa DN và Nhà nước, nắm tâm tư nguyện vọng của các DN. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ Đề án Di sản đương đại Mang Thít về giải pháp hiệu quả nhất, vừa đảm bảo duy trì ngành nghề gạch gốm truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của ngành gạch gốm tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, tăng cường ứng dụng, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tiếp tục cải tiến công nghệ nung gốm đảm bảo an toàn về môi trường, tạo ra được sản phẩm có độ tinh xảo cao hơn, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gốm đỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời khẳng định: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ để hiệp hội ngày càng phát triển”.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202312/hiep-hoi-gach-gom-my-nghe-vinh-long-ky-vong-mang-net-dac-trung-gom-do-len-tam-cao-moi-3178746/