|
  • :
  • :

Làm giàu từ ruộng

Hàng chục năm qua, gia đình ông La Anh Tú (xã Vinh Hà, Phú Vang) là tấm gương nỗ lực phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu ở địa phương.

Ông Tú bên chiếc máy gặt đập liên hợp

Chờ đến cuối trưa, người nông dân ngoài 50 tuổi mới từ ruộng về, quần áo lấm bùn. Ông Tú vui vẻ bảo, thật mừng vì hơn 7ha lúa của gia đình tuy có ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn vừa qua, nhưng do được tiêu úng kịp thời nên thiệt hại không đến nỗi nặng nề. Gắn bó với ruộng đồng mấy chục năm nay, yêu nghề, quý ruộng nên dù tuổi tác ngày càng cao, ông Tú vẫn nỗ lực để phát triển sản xuất.

Ông Tú nhớ lại, trước đây, gia đình ông lựa chọn nghề nuôi tôm để sinh kế. Nhưng 4 năm thua lỗ liên tục, gia đình ông quyết định chuyển đổi nghề nghiệp, sản xuất lúa. Sẵn sàng chịu vất vả hơn, ông Tú nói rằng nếu cần cù, chịu khó, linh hoạt, thì chắc chắn thu nhập từ ruộng đồng sẽ ổn định. Nghĩ là làm. Sau khi được UBND xã đồng ý cho khai hoang, phục hóa, canh tác trên diện tích khoảng 11ha đất trũng kém hiệu quả, bỏ hoang, ông Tú thuê máy móc đổ đất khắc phục phần nào độ trũng, đồng thời đắp đê bao, ngăn nước tràn xuống ruộng, đảm bảo cho 1 vụ lúa trong năm.

Làm nghề gì cũng phải chuyên tâm và có sự đầu tư mới đạt hiệu quả. Với “định hướng” đó, khi bắt đầu sản xuất lúa, gia đình ông Tú vay mượn sắm luôn máy cày. Vừa cày ruộng nhà mình, ông Tú vừa “theo đuôi con trâu sắt” cày ruộng thuê trên địa bàn xã. Thời điểm đó, gia đình ông Tú thu lãi ròng mỗi năm từ một vụ lúa (trên 11ha) tầm 100 triệu đồng. Vụ còn lại, ông Tú thả cá.

“Lựa thời điểm mùa lụt, lút tràn đê, tôi mua giống thả loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép..., giống cỡ lớn để “thúc” nhanh trong tầm 3 tháng rưỡi là xuất bán. Mùa này tôi còn tận dụng được cá thiên nhiên (cá lóc) vào sinh trưởng trên ruộng của mình. Có những vụ thu hoạch, tiền bán cá thiên nhiên lên đến hơn 70 triệu đồng” - ông Tú kể.

Tiền lãi từ lúa, cá, tích lũy được từ vụ này qua vụ khác, gia đình ông Tú tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bán máy cày nhỏ, mua máy cày lớn hơn; sắm máy phun thuốc, máy xay xát gạo, 2 máy gặp đập liên hợp (2 máy trị giá 1,1 tỷ đồng). Với sự nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường, những máy móc đã đầu tư, không chỉ phục vụ trên cánh đồng lúa gia đình mình và bà con nông dân trên địa bàn xã Vinh Hà, ông Tú đưa máy xay xát gạo ra các vùng quê tỉnh Quảng Bình, xay xát thuê.

“Thời điểm đó, thu nhập từ máy xay xát gạo tầm 200 nghìn đồng/ngày. Trong lúc giá vàng 220 nghìn đồng/1 chỉ. Đưa máy móc ra tỉnh khác, làm lụng bất kể thời gian, vất vả thật, nhưng bù lại thu nhập rất cao, là động lực để gia đình tôi càng nỗ lực phát triển kinh tế”. Vậy nên, máy gặt đập liên hợp của gia đình ông Tú từ Vinh Hà, ra huyện Phong Điền; rồi cứ thế “đi ra” những cánh đồng lúa tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên.

“Mộc mạc với ruộng đồng. Do cần cù, chịu khó, nhạy bén, dám nghĩ dám làm, nên kinh tế của gia đình ông La Anh Tú ngày càng phát triển, là tấm gương lao động sản xuất giỏi, đóng góp vào sự phát triển của quê hương Vinh Hà, động lực để bà con nông dân trên địa bàn nỗ lực” - ông Đặng Thích, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Vinh Hà nói.

3 người con đều đã trưởng thành, ở riêng, tự lập, tự chủ về kinh tế, bây giờ nhà ông Tú chỉ còn hai vợ chồng, “rảnh tay” làm lụng. Vợ ông Tú “quản” việc xay xát gạo (không còn đưa máy ra tỉnh khác mà chỉ phục vụ bà con nông dân trên địa bàn), đồng thời là chủ đại lý, thu mua lúa để bán cho các mối hàng và bán ra các tỉnh khác. “Thu nhập vợ làm ra để lo trang trải mọi chi phí sinh hoạt của cuộc sống. Còn thu nhập từ ruộng đồng, từ cho thuê máy móc, mỗi năm tôi “cất tủ” tầm 300 triệu đồng” - lão nông phấn khởi.

Bài, ảnh: Duy Trí 

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/lam-giau-tu-ruong-a112395.html
Tags: làm giàu