|
  • :
  • :

Liệu cây mía có “quay trở lại” ? 

3 quý đầu năm 2021 đã trôi qua với nhiều biến động, đặc biệt là giai đoạn 4 tháng liên tục gần đây người dân cả nước phải căng mình chống dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp vốn dĩ đã nhiều rủi ro, thì nay lại càng khó khăn hơn do đứt gãy chuỗi sản xuất. 3 tháng cuối năm là thời điểm quan trọng cho việc xuống giống vụ mới. Vậy loại cây trồng nào sẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất cho người nông dân?

Thu hoạch mía giống ở một nông trường (ảnh minh hoạ)

Một năm thử thách

Với vị trí giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước, từ đầu năm đến nay tỉnh Tây Ninh đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đợt bùng phát dịch Covid-19. Trong đó, hoạt động nông nghiệp bị tác động mạnh mẽ từ nhiều chiều, nhiều hướng trong 3 tháng vừa qua.

Là tỉnh có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nên khi các quy định giãn cách được ban hành, cao điểm là giai đoạn TP. Hồ Chí Minh – thị trường lớn nhất bắt đầu triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ  “ai ở đâu ở yên đó” thì tình hình sản xuất, kinh doanh các loại nông sản của Tây Ninh hầu như bị đình trệ nặng nề. Vận chuyển khó khăn, sức mua của thị trường giảm mạnh khiến nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.

Dù có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng một số hộ trồng mãng cầu vẫn điêu đứng vì đã đến kỳ thu hoạch nhưng nhà máy phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để chống dịch. Đối với cây lúa, mặc dù ít phải lo tìm đầu ra nhưng giá mua xuống thấp, có thời điểm thương lái chỉ mua 4.000 đồng/kg lúa so với mức 5.500 – 6.000 đồng/kg trước giãn cách xã hội, trong khi chi phí vật tư tăng cao, đặc biệt phân bón đã tăng đến 60% tính từ đầu năm đến nay cũng khiến người nông dân không còn lợi nhuận.

Riêng các loại hoa màu, do nhu cầu cao nên giá thu mua ở mức tương đối nhưng bù lại vấn đề vận chuyển, phân phối gặp trở ngại khiến lượng tiêu thụ thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất. Tại huyện Dương Minh Châu, nhiều hộ trồng khổ qua, rau cải phải chấp nhận bỏ hư tại ruộng đến 2/3 sản lượng vì thương lái không lấy hết.

Mía giống được trồng thử nghiệm theo kỹ thuật mới (ảnh minh hoạ)

Tìm hướng đi bền vững

Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy hoạt động nông nghiệp không chỉ chịu rủi ro từ thời tiết, thiên tai, sâu bệnh mà còn liên đới rủi ro từ thị trường tiêu thụ, kể cả những cây trồng có sức mua ổn định nhất. Một loại nông sản dù có nhu cầu lớn và liên tục từ thị trường, nhưng khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì vẫn không thể đến tay người tiêu dùng, khiến hàng hóa ứ đọng, người trồng thiệt hại.

Sau 3 năm liên tiếp đi xuống cả về diện tích lẫn lợi nhuận, năm nay, cây mía Tây Ninh lại có điểm vượt trội so với các loại cây trồng khác. Là nguyên liệu cho ngành mía đường với sản phẩm là một gia vị cơ bản được xếp vào hàng “nhu yếu phẩm” trong mùa dịch, cây mía không gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, kể cả khi dịch bệnh bước vào giai đoạn cao điểm, quy định giãn cách siết chặt đến mức cao nhất.

Hơn thế nữa, từ đầu năm đến nay, thị trường mía đường trong nước và quốc tế có sự hồi phục tích cực. Giá đường tăng khiến giá mía cũng tăng theo, trái ngược với tình trạng rớt giá của nhiều cây trồng khác. Dự đoán từ các chuyên gia cho rằng chu kỳ hồi phục này còn kéo dài đến 3 năm tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn thế giới vẫn đang rất gay gắt.

Cơ giới hoá trong khâu chăm sóc mía (ảnh minh hoạ)

Nắm bắt được xu hướng, nhiều nông dân Tây Ninh đã tính toán phương án quay lại với cây mía. Với chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn và vật tư, kỹ thuật canh tác từ các nhà máy đường, một số hộ chưa từng trồng mía cũng quyết định tham gia, “thử sức” với loại cây trồng tương đối dễ chăm sóc này.

“Dự kiến diện tích trồng mía năm nay sẽ có sự tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khả năng thu mua, ép mía của nhà máy. Sự ổn định, dễ cơ giới hóa trên quy mô lớn và tiềm năng thâm canh, tăng năng suất sẽ giúp người trồng mía có thu nhập vững chắc trong những năm tới”, đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cho biết.

A.S

Nguồn: https://baotayninh.vn/lieu-cay-mia-co-quay-tro-lai--a137690.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin