|
  • :
  • :

Mô hình kinh tế mới hiệu quả của nông dân

Các cấp hội nông dân (HND) hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn hữu cơ mang lại hiệu quả.

Mô hình nuôi thủy sản của nông dân ở Lăng Cô

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của HND huyện, ông Tôn Thất Hoàng Vũ ở thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) đầu tư nuôi các loại cá nước lợ như nâu, dìa, bớp, kình, mú, hồng mỹ với số lượng 80 lồng theo chuỗi giá trị. Lồng bè làm bằng vật liệu gỗ, lưới được kết nối và cố định bằng phao, dễ dàng điều chỉnh hợp lý khi con nước lớn ròng. Ông Vũ chia sẻ: “Với số lượng 80 lồng nuôi trên 7.000 con, bình quân mỗi năm thu nhập 1-1,2 tỷ đồng”.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của HND, ông Trần Văn Chương ở thị trấn Lăng Cô đầu tư mô hình nuôi thủy sản xen ghép như hàu và các loại cá với diện tích 2ha. Bình quân mỗi năm, mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Chương cho thu nhập ổn định 250 - 300 triệu đồng.

Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc thông tin, thời gian qua, thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (NDSXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp HND tổ chức phát động thi đua được đông đảo hội viên, nông dân (HVND) hưởng ứng tích cực. Tính riêng năm qua, có 8.000 hộ HVND đăng ký danh hiệu NDSXKD giỏi, trong đó có 4.425 hộ đạt danh hiệu này. HND huyện hỗ trợ, hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động 2 câu lạc bộ NDSXKD giỏi, giúp đỡ 50 hộ thoát nghèo, hỗ trợ cây, con giống trị giá gần một tỷ đồng cho các hộ nông dân nghèo.

Tại huyện miền núi A Lưới, mới đây xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả của nông dân từ nguồn hỗ trợ kinh phí của các cấp HND. Điển hình Tổ Hợp tác Dệt zèng ở Hương Nguyên được HND tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, góp phần tổ chức hoạt động giữ nghề truyền thống. Bà Hồ Thị Tha - Tổ trưởng Tổ Hợp tác Dệt zèng cho hay, hiện nay tổ dệt zèng có 10 thành viên, bình quân mỗi tháng dệt được 45 tấm.

Mô hình trồng sâm bố chính của ông Phạm Minh Tú ở A Lưới là một trong những mô hình mới mang lại hiệu quả bước đầu. Theo ông Tú, chu kỳ trồng sâm kéo dài khoảng 9 tháng có thể thu hoạch. Sâm có hàm lượng dinh dưỡng cao và sản lượng đạt yêu cầu. Với diện tích 3ha, bình quân mỗi vụ ông Tú thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha.

Chủ tịch HND tỉnh, ông Nguyễn Chí Quang đánh giá cao hiệu quả của việc khai thác, nuôi trồng thủy sản cùng sự nghiên cứu, học hỏi, áp dụng tiến bộ KHKT của các hộ NDSXKD giỏi.

Năm vừa qua các cấp HND vận động hơn 59 ngàn hộ HVND đăng ký phấn đấu và có gần 32 ngàn hộ đạt danh hiệu NDSXKD giỏi các cấp. Các cấp HND thành lập 21 câu lạc bộ “NDSXKDG” cấp huyện và cấp xã với hàng ngàn hội viên tham gia. Phong trào này phát triển ngày càng sâu rộng và nâng cao về chất lượng, có sức lan tỏa, thu hút HVND tham gia.

Hộ NDSXKD giỏi vừa làm giàu cho gia đình vừa giúp đỡ các hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Các cấp HND vận động hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và đóng góp của HVND về vật tư, ngày công lao động với số tiền 3 tỷ đồng, hỗ trợ về cây, con giống trị giá gần 3,5 tỷ đồng để giúp gần 1.000 hộ HVND nghèo có điều kiện sản xuất, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

HND các cấp vận động HVND tham gia, thành lập 6 HTX nông nghiệp và 20 tổ hợp tác, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nông dân; thành lập 5 chi hội ND nghề nghiệp với hàng trăm thành viên và 74 tổ ND nghề nghiệp với 656 thành viên. Các HTX, tổ hợp tác... bước đầu hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của HVND.

Bài, ảnh: TRIỀU LÂM

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/mo-hinh-kinh-te-moi-hieu-qua-cua-nong-dan-a113418.html
Tags: mô hình
Tin liên quan
Chưa có thông tin