Khoai mì tươi được đưa vào chế biến
Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai và năng suất nhất cả nước. Năm 2023, diện tích cây khoai mì trên địa bàn tỉnh khoảng 60.750 ha, năng suất 33,5 tấn/ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn, tăng 10 ngàn tấn so với năm 2022. Tuy nhiên, với khoảng 50 nhà máy chế biến tinh bột, sản lượng khoai mì chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu về nguyên liệu, còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Campuchia, các tỉnh, thành lân cận.
Thu hoạch khoai mì ở tỉnh phụ thuộc vào nhân công, vẫn chưa được cơ giới hoá dẫn đến chi phí canh tác cây mì cao
Cung không đủ cầu
Một chủ doanh nghiệp chế biến tinh bột mì ở huyện Dương Minh Châu chia sẻ, vấn đề phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia và các tỉnh, thành lân cận là điều không bền vững mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều nắm rõ. Tuy nhiên, thực tế không thể khác vì hiện nay Tây Ninh khó mở rộng diện tích chuyên canh cây mì.
Thông thường, các nhà máy bắt đầu hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Sau đó, phần lớn là nguồn nguyên liệu khoai mì phải nhập khẩu từ Campuchia. Do “cung thiếu cầu” nên các nhà máy phải cạnh tranh thu mua để có khoai mì chế biến, bảo đảm hợp đồng với các đối tác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá khoai mì luôn ở mức cao.
Nhiều nhà máy có công suất lớn phải cử nhân viên sang tận Campuchia thu mua nhằm chủ động nguồn nguyên liệu từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Vấn đề là, do mì của nông dân Campuchia trồng nên nhà máy không thể chủ động thời gian thu hoạch, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Ngày ít nguyên liệu, nhà máy hoạt động không đủ công suất vẫn phải trả lương, tiền điện…
Một doanh nghiệp chế biến khoai mì cho biết, gần đây việc thu mua khoai mì nhập khẩu từ Campuchia không còn thuận lợi như trước. Đến mùa, nông dân Campuchia không đồng loạt thu hoạch, mà nhổ cầm chừng nhằm đẩy giá bán lên cao vì biết các nhà máy mì Việt Nam rất cần nguyên liệu chế biến.
Tại Tây Ninh, cây mì đã chuyển đổi vai trò từ cây lương thực, thực phẩm thành cây công nghiệp hàng hoá có lợi thế cạnh tranh cao và là một trong 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong tổng số 120 nhà máy chế biến tinh bột mì trên cả nước, tại Tây Ninh đã có 57 nhà máy, chiếm tỷ lệ khoảng 48%. Nhờ hiệu quả canh tác đặc biệt cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất cây mì trung bình hằng năm ở Tây Ninh đạt từ 33 - 35 tấn/ha, cao gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước (20 tấn/ha). Dù tổng diện tích trồng mì chỉ chiếm 10% tổng diện tích mì của cả nước nhưng sản lượng lại chiếm tới 20% tổng sản lượng quốc gia. Ngành chế biến mì của tỉnh đã đóng góp 50% vào tổng thu nhập quốc gia từ cây mì.
Hiện tại, sản xuất khoai mì trong tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu. Hằng năm, các nhà máy trong tỉnh thường phải nhập khẩu từ 2 đến 3 triệu tấn củ tươi từ các địa phương khác như Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai… và nước bạn Campuchia. Tổng kim ngạch nhập khẩu củ mì tươi và mì lát khô từ Campuchia là hơn 1 tỷ USD trong năm 2022.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bệnh khảm lá còn phát sinh trên diện rộng, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn giống mì kháng khảm còn rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nông dân.
Người trồng mì cho biết bệnh khảm lá mì có thể làm giảm đáng kể năng suất củ mì tươi và hàm lượng tinh bột, đặc biệt là khi sử dụng giống đã nhiễm virus nặng từ các vụ trước. So sánh với tổng diện tích đất canh tác cây mì của tỉnh, khả năng cung cấp giống mì kháng khảm là rất hạn chế (giống kháng bệnh khảm cung cấp cho nông dân chiếm khoảng 3,33% tổng diện tích toàn tỉnh). Vì thiếu giống kháng khảm, người trồng mì thường tìm mua các loại giống mì không nhiễm bệnh nhưng chưa được kiểm định và không rõ nguồn gốc từ các tỉnh khác về trồng, làm tăng nguy cơ nhiễm chéo giữa các vùng, nguy hiểm nhất là lan truyền một số bệnh hại nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và năng suất.
Nguồn gốc và chất lượng giống trao đổi giữa thương lái và nông dân không được bảo đảm, làm giảm độ tin cậy của người dân đối với các giống lai tạo mới sau khi được kiểm định đầy đủ và cấp phép lưu hành, gây khó khăn cho việc nhân rộng giống mới trong cộng đồng…
Song song đó, sản xuất khoai mì khó khăn do thiếu hụt công lao động nông thôn trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Do phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đều tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, trong khi mức độ cơ giới hoá chưa cao, chủ yếu vẫn làm thủ công nên chi phí chính trong sản xuất mì là công lao động (chiếm 39,2% tổng chi phí) dẫn đến giá thành sản xuất cao. Sự liên kết giữa sản xuất và chế biến chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài.
Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến chưa chặt chẽ, chủ yếu thông qua khâu trung gian là thương lái thu mua nên làm giảm hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Làm gì để cây mì Tây Ninh phát triển ổn định và bền vững?
Canh tác mì thường hướng đến sinh kế, cung cấp cho các hộ sản xuất nhỏ và nông dân không có đất, các doanh nghiệp chế biến và thương mại trên khắp vùng nhiệt đới nói chung và Việt Nam nói riêng một điểm khởi đầu quan trọng, tạo việc làm và nguồn thu nhập. Cây mì vượt trội hơn các loại cây trồng khác khi trồng trên đất nghèo dinh dưỡng và những nơi có lượng mưa thay đổi thất thường. Mì cũng đóng vai trò rất quan trọng tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất lương thực dưới tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, hoạt động nghiên cứu, lai tạo và bảo tồn mì giống của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) phân bổ toàn cầu. Các nhà nghiên cứu của CIAT đi từ châu Á đến Trung tâm Bảo tồn giống tại châu Mỹ để trao đổi, học hỏi kiến thức về các kỹ thuật mới nhất nhằm nhân giống vật liệu trồng sạch bệnh.
Để giải quyết vấn đề cung cầu của nguyên liệu khoai mì tươi trên địa bàn tỉnh; hạn chế tình trạng buôn bán và thu mua giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; tạo điều kiện cho tất cả người nông dân có cơ hội tiếp cận với nguồn giống mới, đáng tin cậy với mức giá hợp lý, phù hợp; ngành Nông nghiệp tỉnh nhận định, việc nâng cao chất lượng giống cây mì là yếu tố quan trọng để ngành khoai mì phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trong đó, vấn đề củng cố công tác quản lý giống và quy trình sản xuất mì thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây mì; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng giống mới chất lượng cao, bón phân đúng quy trình, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm nước… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây mì, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh khảm lá. Từ đó, giúp tỉnh có nguồn giống tốt, nâng cao năng suất. Trong tương lai Tây Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống mì cho cả nước.
Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu giống mì tại huyện Dương Minh Châu với mong muốn có được cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm tạo ra những giống mì tốt hơn, đồng thời cũng là nơi để người sản xuất, kinh doanh mì có thể tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh, để ngành chế biến mì của tỉnh Tây Ninh phát triển ổn định và bền vững, Hiệp hội Sắn (mì) cần có định hướng cụ thể, thật sự là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng quy trình sản xuất, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng mì, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn; tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng định hướng dài hạn cho việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt là các điều kiện chặt chẽ về chứng minh xuất xứ nguyên liệu… có biện pháp ứng phó với những thách thức và rào cản thương mại có thể phát sinh.
Các doanh nghiệp chế biến, sản xuất cần ký kết hợp đồng với người dân, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, không thông qua thương lái, bảo đảm quyền lợi của cả doanh nghiệp và nông dân; quan tâm thực hiện: đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột (như: bột biến tính, sorbitol, mạch nha, ethanol…) và tăng cường nghiên cứu sử dụng phụ phế phẩm chế biến theo hướng kinh tế tuần hoàn; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và các quy định về hoá chất sử dụng trong chế biến; xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm.
Đối với các cơ quan chức năng trong tỉnh, phối hợp với các cơ quan: Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc và nhân nhanh các giống mì kháng bệnh khảm lá, năng suất cao, phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, cần có cơ chế chống gian lận trong buôn bán liên quan đến chất lượng và sản lượng mì, ví dụ như độn đất, cát, gốc mì trong nguyên liệu. Theo đó, Sở NN&PTNT có thể thành lập đoàn nghiên cứu về những vấn đề này, từ đó đề ra những giải pháp giải quyết có hiệu quả. Việc xác định tạp chất cần có hướng dẫn của cơ quan Trung ương, công thức tính bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch nên nhiệm vụ này cần sự phối hợp chuyên gia và doanh nghiệp.
Thứ ba, xúc tiến xây dựng cơ chế liên kết để người dân và nhà máy ký kết thoả thuận trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp dựa trên quyền và trách nhiệm của hai bên và có trách nhiệm dân sự nên Nhà nước không tham gia xây dựng cơ chế liên kết. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ liên kết theo Quyết định 23, khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết, doanh nghiệp và nông dân có thể nghiên cứu xây dựng dự án thụ hưởng chính sách.
Thứ tư, thí điểm thành lập quỹ bình ổn về khoai mì giúp các thành viên tham gia quỹ cùng có lợi và giảm thiểu rủi ro.
Thứ năm, thí điểm cấp mã vùng trồng và chế biến, phục vụ cho xuất khẩu lâu dài; tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời áp dụng cơ giới hoá đồng bộ các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai mì, giảm công lao động.
Thế Nhân