Thu hoạch lúa tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trồng trọt cơ bản duy trì so với cùng kỳ và đạt tiến độ kế hoạch năm, với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 387.000 ha. Tỉnh định hướng hình thành 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong năm 2024 sẽ có 12 đến 13 vùng đầu tiên được công nhận, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo đúng định hướng, xây dựng thương hiệu, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với đàn heo 297.000 con (tăng 28,5% so cùng kỳ) và đàn gia cầm trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ); chăn nuôi trang trại chiếm 78% (tăng 8% so cùng kỳ). Nổi bật là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi, trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty BAF, Công ty Vinamilk với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân; đây được xem là các dự án tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
Thời gian qua, huyện Tân Châu tập trung triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ quỹ đất Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh và Công ty cổ phần Cao su 1.5 Tây Ninh giao về địa phương quản lý theo Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Đang triển khai Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu với diện tích dự kiến 1.600 ha tại xã Suối Dây.
Một cơ sở kinh doanh phân bón (ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang quy mô trang trại gắn với xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 63.000 con, trong đó, 9 trang trại quy mô lớn với 49.800 con, 6 trang trại quy mô vừa 2.060 con (tỷ lệ chăn nuôi quy mô lớn và quy mô vừa đạt 82,2% so với tổng đàn). Tổng đàn trâu, bò trên 7.200 con, trong đó 7 gia trại quy mô vừa với 337 con, 36 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ với 870 con (tỷ lệ 16,7% so với tổng đàn); chăn nuôi nông hộ với 6.000 con (tỷ lệ 83,3% so với tổng đàn).
Tổng đàn gia cầm có trên 1,9 triệu con, trong đó, 9 trang trại quy mô lớn với 1,6 triệu con gà; 8 trang trại quy mô vừa 178.000 con gà (tỷ lệ chăn nuôi quy mô lớn và quy mô vừa đạt 93,3% so với tổng đàn); chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ đạt 6,7% so với tổng đàn.
Luỹ kế đến nay, trên địa bàn huyện có 5 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo quy trình VietGAP. Bên cạnh những thuận lợi và mặt làm được nêu trên, hoạt động sản xuất chăn nuôi trên địa bàn còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như: hệ thống sản xuất chưa được đồng bộ; chưa liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giá thành của thức ăn chăn nuôi quá cao, tuy nhiên, giá bán sản phẩm gia súc, gia cầm thấp do chưa có thương hiệu, chưa được quảng bá rộng rãi, lợi nhuận chăn nuôi không cao.
Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, năm 2024, địa phương rất mong muốn tiếp tục được UBND tỉnh, Sở NN&PTNT quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thực hiện theo quy trình VietGAHP; xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư như đất đai, các thủ tục quy trình, các chính sách hỗ trợ... với thủ tục giản đơn để người sản xuất nhanh chóng được tiếp cận các chính sách. Về phía nhà đầu tư, doanh nghiệp, phải ứng dụng công nghệ cao vào công tác quản lý chăn nuôi, trồng trọt, nhất là hệ thống ERP tích hợp nhiều phần mềm chuyên sâu qua từng giai đoạn từ thực hiện quản lý tình trạng vật nuôi, đo lường… đến khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thả ong để thụ phấn trong vườn dưa lưới
Huyện Tân Biên, sản xuất nông nghiệp năm 2023 duy trì và phát triển ổn định. Tổng diện tích gieo trồng gần 57.500 ha, tăng 5,12% so kế hoạch năm và tăng 0,19% so cùng kỳ. Chăn nuôi phát triển mạnh với tổng đàn khoảng 3,6 triệu con, trong đó: gia cầm 3,5 triệu con; gia súc 87.800 con. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn với 19 trang trại đang hoạt động (10 trang trại heo và 9 trang trại gà); 7 trang trại heo và 1 trang trại gà đang triển khai xây dựng. Trong những năm gần đây, việc nuôi chim yến trên địa bàn huyện được người dân quan tâm, huyện đã thống nhất chủ trương đối với 44 vị trí nhà yến.
Bà Nguyễn Thị Như Anh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Biên cho biết, để xây dựng ngành nông nghiệp huyện Tân Biên phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là chuyển đổi số hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững.
Song song đó, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, nhất là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ và có giá trị gia tăng cao; thực hiện tốt chương trình OCOP, nâng tầm, tạo thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời triển khai Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Bước sang năm 2024, huyện Tân Biên rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của sở, ngành tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp như triển khai nhiều dự án, mô hình hay, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm giúp cho người dân nâng cao nhận thức trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi”- bà Nguyễn Thị Như Anh chia sẻ.
Trên cơ sở những kết quả nổi bật của năm 2023, bước sang năm 2024, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, cụ thể: duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành từ 3% trở lên; nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha lên 112 triệu đồng/ha/năm; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 16,3%; đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68 xã nông thôn mới, 25 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Bến Cầu đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, nhiệm vụ năm 2024 là rất nặng nề và có tính quyết định cho kế hoạch 5 năm. Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trước hết phải bảo đảm phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, làm việc này đòi hỏi tính dự báo, nắm bắt thông tin thị trường để sản xuất cho phù hợp. Thứ hai là bảo đảm chất lượng và nhu cầu vật tư tối thiểu cho người dân như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc... thực tế vấn đề gian lận về chất lượng như: hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp còn khá nhiều. Trong năm 2024, ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra lấy mẫu, công bố công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về chất lượng để người dân né tránh, không mua sản phẩm đó nữa”.
Ngành Nông nghiệp xác định năm 2024 là năm đột phá về chuyển đổi số, đơn vị sẽ thực hiện các phần mềm nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành, đồng thời ứng dụng trong cải cách hành chính, quản lý cây trồng, vật nuôi, cấp mã vùng trồng. Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi và lĩnh vực sơ chế, chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi.... Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ để thích ứng với nông nghiệp công nghệ cao.
Nhi Trần - Trúc Ly