|
  • :
  • :

Nghề mới của người dân Tân Nghĩa

Nhận thấy diện tích mặt nước trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 có thể tận dụng để nuôi cá, một số hộ dân xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) đã chọn triển khai mô hình nuôi cá lồng. Đây là nghề mới ở Tân Nghĩa nhằm khai phá hết những tiềm năng tự nhiên có sẵn của địa phương.

 
 
Hồ thủy điện Đồng Nai 2 đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Tân Nghĩa
Hồ thủy điện Đồng Nai 2 đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Tân Nghĩa
 
Ông Nguyễn Văn Thiên, một hộ nuôi cá tại đây, chia sẻ: “Trước kia, tôi cũng làm cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2013, nhận thấy hồ thủy điện Đồng Nai 2 có nguồn nước rất trong nên tôi nảy ý định nuôi cá lồng. Mới đầu, tôi nuôi thử 4 lồng cá rô phi và cá diêu hồng. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, số cá đó chẳng bao lâu sau đã chết sạch”. Mò mẫm học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi cá từ những người có kinh nghiệm, ông lại mua cá nuôi tiếp. Và kết quả cá vẫn chết như lần trước. “Tôi quyết định xuống Đồng Nai học cách nuôi, xử lý các loại bệnh cho cá, cũng như học cách thiết kế lồng cá, đặt lồng cá như thế nào cho phù hợp...”, ông Thiên cho biết. Từ những kiến thức tích lũy đó, ông đã nuôi cá thành công, mở hướng đi mới ở Tân Nghĩa. 
 
Ông Nguyễn Văn Tiến, một hộ nuôi cá khác, nói thêm: “Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện có những ưu điểm như nguồn nước luôn lưu thông tạo điều kiện cho cá sinh trưởng mạnh, cá có thể nuôi ở mật độ dày và chăm sóc cá khá dễ dàng... Tuy vậy, cá cũng rất dễ mắc bệnh nấm da khi thời tiết giao mùa, nên cần đặc biệt quan tâm đến khâu vệ sinh lồng cá, nhất là cần xử lý dứt điểm mầm bệnh”. Theo ông Tiến, mỗi loài cá có một kỹ thuật nuôi riêng. Cách phòng bệnh và chữa bệnh cũng mỗi loài mỗi khác. Do đó, ngoài việc nắm vững kỹ thuật nuôi, cách thức phòng trừ dịch bệnh, còn phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn thì cá mới cho năng suất cao. Ông Lê Tiến Dũng, một hộ nuôi cá tại đây, bày tỏ sự tán đồng: “Nếu nắm vững kỹ thuật nuôi, cùng cách phòng trừ dịch bệnh, thì so với việc chăm sóc cây cà phê, nghề nuôi cá cho thu nhập cao hơn hẳn”. 
 
Ông Nguyễn Công Phóng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa, cho hay: “Hiện tại, trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 đang có 23 hộ nuôi cá, với quy mô hơn 120 lồng, bè. Các loài cá được nuôi chủ yếu ở đây là rô phi, chép, trắm cỏ, diêu hồng. Ngoài ra, một số hộ dân còn nuôi thử nghiệm cá lăng, cá hô... Việc phát triển nghề nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ thủy điện giúp địa phương đa dạng hóa các mô hình kinh tế, giải quyết vấn đề sinh kế của một số hộ dân xã Tân Nghĩa, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân”. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, cho rằng: “Hiện, mô hình nuôi cá vẫn còn ở giai đoạn thăm dò, thử nghiệm. Chỉ những ai thật kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi cá mới trụ lại với nghề. Tân Nghĩa cũng chưa tính đến việc khuyến khích người dân mở rộng mô hình này. Bởi cá thương phẩm đầu ra chưa ổn định, còn gặp khó khăn”.
 
Theo ông Chánh, cá hiện nay chủ yếu được bán lẻ tại các chợ, nhà hàng trên địa bàn huyện Di Linh và huyện Bảo Lâm, chưa có công ty hay doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, những loại cá mới nuôi ở đây như cá lăng, cá hô... lại gặp tình trạng khan hiếm thức ăn. Bởi chúng chỉ ăn những thức ăn tươi trong khi ở Tân Nghĩa chưa có nguồn thức ăn này cho cá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/nghe-moi-cua-nguoi-dan-tan-nghia-3075140/