|
  • :
  • :

Người chăn nuôi thấp thỏm vì giá heo hơi giảm sâu

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động rất lớn đến tình hình chăn nuôi heo trên cả nước cũng như địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong khi giá heo hơi giảm thấp, giá thức ăn gia súc lại tăng mạnh khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều hộ dừng kế hoạch tái đàn, tăng đàn vì đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

 
 
Giá heo hơi liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ
Giá heo hơi liên tục xuống thấp, nông dân thua lỗ
 
Đầu tuần này, giá heo hơi được thu mua ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg, đây được xem là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. 
 
Anh Vương Đình Quý, hộ chăn nuôi heo tại tổ dân phố Đông Anh 3 (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cho biết, từ tháng 8, thịt heo hơi có giá khoảng từ 50.000 - 58.000 đồng/kg, nhưng kể từ tháng 9 trở lại đây giá heo hơi liên tục giảm chỉ còn 40.000 đồng/kg, một số hộ chỉ bán được giá 38.000 đồng/kg. “Hiện, gia đình tôi đang chăn nuôi hơn 300 con heo, với giá thịt heo như hiện tại thì nông dân lỗ nặng. Gần đây chi phí thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, vậy nên, mỗi con heo xuất chuồng gia đình lỗ khoảng hơn 1 triệu đồng” - anh Quý cho biết. 
 
Ông Vũ Bá Yêu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, hơn 10 ngày trở lại đây, giá heo hơi bắt đầu giảm mạnh, nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến mất cân đối cung, cầu. Heo của địa phương chủ yếu xuất bán đi ngoại tỉnh, đưa đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, trong khi lượng heo ở các tỉnh, thành cũng đổ về nhiều nên đầu ra khó làm ảnh hưởng đến giá cả. Theo ông Yêu, hiện tại, tổng đàn heo của huyện có khoảng 90.000 con; chủ yếu nuôi tập trung tại các hộ, trang trại chăn nuôi có quy mô vừa và lớn. Từ năm 2019 trở lại đây, số lượng nông dân tái đàn heo giảm do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. 
 
Tại huyện Di Linh, địa phương hiện có tổng đàn heo hơn 20.000 con. Ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cũng cho biết giá heo hơi tại địa phương thời gian gần đây đã giảm. Cách đây hơn 4 tháng, heo hơi có giá ổn định khoảng từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, có lúc giá tăng đột biến lên 60.000 – 70.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ có giá khoảng 45.000 đồng/kg. Ông Khá cho biết, giá heo hơi giảm nhưng giá bán lẻ thịt heo tại các chợ vẫn cao khoảng từ 80.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại. 
 
Nguyên nhân khiến giá heo hơi có nhiều biến động, theo ông Khá là do trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, các địa phương tiêu thụ thịt heo mạnh như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... lại thực hiện giãn cách, nguồn cung ở các trang trại chăn nuôi bị gián đoạn, tồn hàng khoảng 30%. Thời gian gần đây, khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác mở cửa trở lại, việc vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, nguồn cung tăng nhưng tiêu thụ chưa mạnh khiến giá heo giảm giá. Ngoài ra, giá heo hơi giảm một phần cũng do thương lái ép giá.
 
Theo Cục Chăn nuôi, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi bị đứt gãy làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16 - 36%. Trong khi đó, giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bán được 25 - 30% giá thành. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.
 
Hiện tại, đàn heo tỉnh Lâm Đồng khoảng 420.000 con, đạt 95% so với kế hoạch và tăng 6% so cùng kỳ. Ước tổng sản phẩm thịt hơi các loại gần 86.000 tấn, đạt 72,8% so với kế hoạch và tăng 18,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thịt heo hơi 65.554 tấn; đạt 70,4% so kế hoạch và tăng 26,3% so cùng kỳ.
 
Đàn heo mặc dù tăng so với năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khó khăn. Bà Hà Thị Mai Hương - Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt có giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; chăn nuôi heo tự do có giá khoảng 40.000 đồng/kg; trong khi chăn nuôi phải mua con giống giá khoảng từ 53.000 - 60.000 đồng/kg. Với mức giá heo hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi không thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. Mức giá hiện tại giảm khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2020. Mặc dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đều tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
 
Treo chuồng, ngưng chăn nuôi và thậm chí là bán cả trại heo… đang là những giải pháp tình thế được người chăn nuôi lựa chọn để đối phó với tình hình giá tuột dốc “không phanh” này. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi tỉnh khuyến cáo, chủ trại không nên ngưng chăn nuôi mà thay vào đó nên sử dụng một số biện pháp cần thiết để duy trì đàn. Ngoài việc sử dụng thức ăn tự trộn, xuất bán heo vào thời điểm heo chưa vượt quá 85 kg/con… để giảm giá thành, thì việc giảm số lượng nái theo hướng tập trung vào chất lượng đàn, là một giải pháp phù hợp lúc này.
 
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônsẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Qua đó, chỉ đạo các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất (giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư…) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã khống chế được dịch Covid-19 cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 chưa được khống chế.
 
Các địa phương khôi phục, tăng đàn heo trong điều kiện có dịch Covid-19 và sau dịch. Khẩn trương phát triển chăn nuôi để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10 - 12% trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Tăng cường chỉ đạo triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo. 
 
Các hộ chăn nuôi cần xây dựng liên kết ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội…) để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung, cầu. Tổ chức kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Đồng thời, đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, cần phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trước mắt, trang bị thêm hệ thống xe bán hàng lưu động để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/nguoi-chan-nuoi-thap-thom-vi-gia-heo-hoi-giam-sau-3085029/