|
  • :
  • :

Người trồng na lấy công làm lãi

Khoảng tuần nay, vùng trồng na xã Lực Hành, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chín rộ, na vẫn tiêu thụ được nhưng giá giảm đột ngột nên bà con chấp nhận lấy công làm lãi.

Cây na đã gắn bó với người dân xã Lực Hành gần 30 năm với diện tích lên tới 150ha. Đây là vùng na lớn nhất tỉnh Tuyên Quang.

Giai đoạn đầu vụ, na chín sớm, dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng na ở Lực Hành vẫn được giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày nay, na chính vụ chín rộ, giá rớt đột ngột xuống còn 10.000 đến 15.000 đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn Danh Quế, thôn Minh Khai trồng 2ha na. Đầu vụ na, nhận được thông tin dịch Covid-19 bùng phát, ông Quế lo lắng na không bán được giống nhãn. Nhưng thật may, việc tiêu thụ na tại thị trường Tuyên Quang hiện vẫn khá ổn nên ông Quế và người dân cũng bớt được gánh lo.

Do chủ động được kỹ thuật chăm sóc nên na ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho quả to, mã đẹp, độ ngọt đậm
Do chủ động được kỹ thuật chăm sóc nên na ở xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho quả to, mã đẹp, độ ngọt đậm

Ông Quế cho biết, gia đình ông đã tiêu thụ được 70% sản lượng na trong vườn với giá trung bình hơn 20.000 đồng/kg. Nhưng mấy ngày gần đây na xuống giá chóng mặt, số quả na còn lại ông chỉ được thương lái trả 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Thôn Minh Khai là địa phương có diện tích na lớn nhất xã Lực Hành, toàn thôn có 90ha. Giai đoạn đầu vụ quả na thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết tới đó với giá hơn 20.000 đồng/kg. Thế nhưng khi tiêu thụ được 40% sản lượng giá na giảm sâu.

Anh Bùi Văn Lộc, Trưởng thôn Minh Khai cho biết, đợt này, giá trung bình đạt 13.000/kg, giảm một nửa so với tuần trước. Trung bình mỗi ngày, thôn cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn na. Với giá như hiện nay, người nông dân xác định lấy công làm lãi.

Anh Lộc cùng các hộ dân trong thôn Minh Khai lo lắng, nếu thời gian tới na giảm xuống 7.000/kg, trừ chi phí đầu tư phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, công chăm sóc người dân sẽ không có lãi. Trong khi đó, na của thôn mới thu được 50% sản lượng và dự kiến phải đến giữa tháng 9 dương lịch mới thu hoạch hết vụ.

Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, nhiều năm nay, do chủ động được kỹ thuật chăm sóc, thụ phấn nên năng suất na của xã luôn duy trì ổn định ở mức 700 đến 800 tấn quả. Đến nay, toàn xã đã tiêu thụ được gần 500 tấn. Cũng theo ông Kế, hiện tại việc tiêu thụ na chưa gặp khó khăn, tuy nhiên trong thời gian tới chưa thể dự đoán trước được tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào, vì vậy chính quyền xã khuyến cáo bà con tiêu thụ na càng sớm càng tốt, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thị trường.

Rút kinh nghiệm từ vụ nhãn trước đó, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã và đang họp bàn các giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch. Bởi thế, giai đoạn đầu vụ, quả na của người dân xã Lực Hành vẫn được thu mua với giá từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg, tùy từng loại to, nhỏ nên cũng giảm được áp lực khi na chín rộ chính vụ.

Theo Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, hiện nay Sở đang phối hợp với các cơ quan đơn vị hỗ trợ tiêu thụ na và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, nhãn… Phấn đấu từ nay đến cuối vụ, toàn tỉnh sẽ tiêu thụ nội tiêu khoảng 2.300 tấn na, chiếm khoảng 40% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 60% tiêu thụ ngoài tỉnh.

Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang khuyến khích các chủ hộ và chính quyền địa phương có diện tích na lớn thực hiện đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín. Cung cấp thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân để đảm bảo bao tiêu sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Theo Nông nghiệp VN

Nguồn: https://congthuong.vn/nguoi-trong-na-lay-cong-lam-lai-162824.html