|
  • :
  • :

Nguy cơ đứt gãy nguyên liệu của chuỗi sản xuất tơ tằm

Theo Đề án Phát triển bền vững ngành Dâu tằm tơ Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023, đến nay, Lâm Đồng đã phát triển gần 9 ngàn ha dâu, cho sản lượng dâu hơn 180 ngàn tấn, sản lượng kén tằm hơn 12,5 ngàn tấn… Tuy nhiên, nguồn trứng giống tằm hiện nay hầu như phải nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và đang báo động những rủi ro, nguy cơ đứt gãy sản xuất do không tự chủ được nguồn giống chất lượng. 

 
 
Tơ sợi - nguyên liệu dệt lụa
Tơ sợi - nguyên liệu dệt lụa
 
 
 
Ngành Dâu tằm tơ là ngành nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, nhưng cũng là ngành công nghiệp hiện đại tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, với lợi thế đứng thứ 5 thế giới về sản lượng tơ tằm và đứng thứ 6 về xuất khẩu tơ lụa. Ngành Dâu tằm tơ lại là ngành có tính chất liên hoàn - sản phẩm của công đoạn này là nguyên liệu của công đoạn kế tiếp. Muốn có sản phẩm cuối cùng có chất lượng, mang hiệu quả kinh tế cao thì cần phải quan tâm từ công đoạn đầu. Đó là từ cây dâu, con tằm. 
 
Những năm gần đây, bà con nông dân đã nhận thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng dâu, nuôi tằm. Do mức lợi nhuận của 1 ha dâu để nuôi tằm lấy kén đạt từ 200 - 250 triệu đồng/năm, nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích trồng dâu. Việt Nam có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với hơn 13 ngàn ha dâu, thì riêng vùng Tây Nguyên chiếm 73%, chủ yếu tập trung ở Lâm Đồng. 
 
Tuy nhiên, trứng tằm - một trong hai yếu tố then chốt, khởi đầu của chuỗi giá trị sản phẩm ngành công nghiệp dâu tằm tơ đang báo động những rủi ro và nguy cơ đứt gãy do không tự chủ được nguồn giống chất lượng. Cả nước có hơn 20 ngàn hộ trồng dâu nuôi tằm, 250 cơ sở nuôi tằm con, mỗi năm nhu cầu trứng giống tằm cần khoảng từ 500 - 600 ngàn hộp, riêng Lâm Đồng khoảng 250 - 300 ngàn hộp. Nhưng, nguồn trứng giống tằm phục vụ sản xuất của Việt Nam hiện nay đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
 
• 
 
Trong tháng 11, 12 của năm 2021, khoảng 13 ngàn bìa trứng giống tằm (tương đương khoảng 52 ngàn hộp trứng) của một doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc đã bị bắt phạt, ngâm nước muối và tiêu hủy, gây nên tình trạng thiếu trứng giống tằm trầm trọng. Ngoài ra, do nguồn trứng giống tằm là nhập khẩu tiểu ngạch, không được kiểm soát, gây nên tình trạng chất lượng trứng không đảm bảo; nhiều bìa trứng có tỷ lệ nở chỉ khoảng 10% bắt buộc bà con cũng phải hủy bỏ.
 
Gần như 100% nguồn trứng giống tằm phục vụ sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc; nguồn trứng giống tằm không được kiểm tra chất lượng và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới nhiều rủi ro cho người nuôi tằm, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành dâu tằm tơ… Nông dân không có trứng giống để nuôi tằm lấy kén, nên doanh nghiệp phải đẩy giá thu kén lên cao để tranh mua, nhằm giữ việc làm cho công nhân và trả hợp đồng với nước ngoài, khiến giá thu mua kén tăng lên từ 200 - 215 ngàn đồng/kg, tăng 50 - 70 ngàn đồng/kg so với năm 2019. 
 
Năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định, nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero-COVID và tình trạng đóng cửa biên giới kéo dài (không chỉ 28 ngày trước và sau Tết Nguyên đán) thì gián đoạn thương mại với các đối tác của Trung Quốc bao gồm cả Việt Nam có thể kéo dài đến giữa năm 2022 hoặc hơn.
 
Nếu tình trạng thiếu trứng giống tằm, tăng giá kén kéo dài sẽ gây khó khăn, thiệt hại lớn cho ngành sản xuất tơ tằm. Cụ thể là trong thời gian tới sẽ đứt gãy nguồn giống tằm, dẫn tới đứt gãy nguồn kén và không có nguyên liệu để sản xuất tơ lụa. Để có nguồn kén sản xuất tơ, các doanh nghiệp phải đẩy giá mua lên để tránh hệ lụy đối với các hợp đồng xuất khẩu tơ nguyên liệu… khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, nguồn cung tơ lụa trong thời gian tới sẽ hạn hẹp cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu, làm thất thu ngoại tệ từ ngành Dâu tằm tơ. 
 
 
 
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, trước mắt, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành quản lý cấp Trung ương nhanh chóng có những quy định cụ thể để đảm bảo đủ nguồn trứng giống tằm chất lượng phục vụ sản xuất ngay tại thời điểm này; khắc phục tình trạng nguồn trứng giống nhập về không đúng quy định bị tiêu hủy, trong khi người nông dân không có nguồn giống thay thế để sản xuất. 
 
Về lâu dài, theo ông Hồ Hữu Nghị - Chủ tịch Công đoàn ngành Dâu tằm tơ Việt Nam: Cần có sự can thiệp của Nhà nước bằng Hiệp định về việc nhập khẩu trứng giống tằm theo đường chính ngạch, đảm bảo năng suất và chất lượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống giống tằm nguyên chủng để các đơn vị sản xuất trứng giống tằm trong nước nghiên cứu lai tạo giống có bản quyền, phù hợp với các vùng sinh thái, đạt chất lượng kén tốt để chế biến tơ lụa xuất khẩu, tiến tới chủ động hoàn toàn về nguồn giống tằm, đáp ứng yêu cầu sản xuất tơ lụa trên thị trường và cạnh tranh quốc tế.
 
Các doanh nghiệp trong ngành Dâu tằm tơ cũng đề xuất, tỉnh nên chú trọng việc liên kết, hợp tác với các chuyên gia đầu ngành về trứng giống tằm ở các nước phát triển (như Nhật Bản) để được tiếp cận tìm hiểu các kiến thức, phương thức sản xuất trứng giống tằm mới, có hiệu quả cao; cũng như quy hoạch vùng sản xuất trứng cấp 1, cấp 2 đảm bảo môi trường, nhằm sản xuất trứng sạch bệnh; có cơ chế ưu đãi về vốn để doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhà xưởng nuôi tằm, nhân giống, bảo quản trứng giống tằm công nghệ cao…
 
Ngành trồng dâu, nuôi tằm là ngành sản xuất có chuỗi giá trị hoàn toàn khác biệt với các hoạt động nông nghiệp khác, vì vừa mang đặc điểm của ngành trồng trọt, vừa có đặc điểm của ngành chăn nuôi. Giống tốt không những là quan điểm canh tác truyền thống của người dân Việt Nam; mà hơn bao giờ hết, giống trong ngành sản xuất công nghiệp dâu tằm tơ - cụ thể là giống tằm đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, cần sự hỗ trợ kịp thời để chuỗi cung ứng trứng giống tằm không bị đứt gãy quá lâu và đảm bảo chất lượng để người dân, doanh nghiệp tiếp tục nuôi tằm và sản xuất trong thời gian tới.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202201/goi-cuu-tro-hieu-qua-ben-vung-duoc-doanh-nghiep-mong-doi-nguy-co-dut-gay-nguyen-lieu-cua-chuoi-san-xuat-to-tam-3097549/