|
  • :
  • :

Nhiều người "bẻ kèo" vì không gồng gánh nổi chi phí

Giá cam ở mức thấp trong khi chi phí đầu tư cao khiến nhiều hộ thuê đất trồng cam tại huyện Trà Ôn liên tiếp gặp khó. Theo đó, nhiều người thuê đất đã “bẻ kèo“ với chủ đất, bỏ vườn cam đang thuê vì không gồng gánh nổi chi phí tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, người chủ đất cũng lao đao vì hợp đồng bị hủy giữa chừng.

images2550127_17.6_ly__trong_cam__2_.jpg (460×307)
Người thuê đất trồng cam “bẻ kèo” khiến người cho thuê gặp khó.

(VLO) Giá cam ở mức thấp trong khi chi phí đầu tư cao khiến nhiều hộ thuê đất trồng cam tại huyện Trà Ôn liên tiếp gặp khó. Theo đó, nhiều người thuê đất đã “bẻ kèo” với chủ đất, bỏ vườn cam đang thuê vì không gồng gánh nổi chi phí tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, người chủ đất cũng lao đao vì hợp đồng bị hủy giữa chừng.

Những năm trước, giá cam sành luôn nằm ở mức cao, nhiều người đã ồ ạt chuyển đổi sang trồng cam sành, khiến diện tích tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, giá cam sành ở mức thấp chỉ từ 2.000-4.000 đ/kg, do tình trạng cung vượt cầu, tiêu thụ chậm, khiến người trồng cam thua lỗ nặng.

Theo đó, những người thuê đất trồng cam còn khốn đốn hơn bởi không chỉ gồng chi phí đầu tư cam mà còn gánh thêm chi phí thuê đất từ 4-5 triệu đồng/công/năm.

Do đó, không ít người thuê đất đã phải “bỏ của chạy lấy người”, bỏ vườn cam vừa mới thuê vì không trả nổi chi phí, khiến người chủ đất cũng khốn đốn lây.

Có 12 công đất cho thuê trồng cam nhưng bị “bẻ kèo” giữa chừng, chú Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) cho hay: “Lúc cam có giá, nhiều người lại hỏi thuê với giá 7-8 triệu đồng/công. Thời điểm 4 năm trước tôi cho thuê với giá 5 triệu đồng/công với thời hạn 5 năm.

Người thuê cũng cam kết trả đủ tiền thuê trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, giá cam liên tục giảm, người thuê đất chỉ trả được 50% tiền thuê trong năm đầu, sau đó thì mất khả năng chi trả.

Do giá cam giảm nên tôi cũng có thông cảm, thư thả thời gian cho người thuê nhưng chờ hoài không thấy trả. Sau 2 năm, người thuê đã “bỏ của”, hủy hợp đồng do mất khả năng chi trả dù vườn cam đã trồng được 2 năm tuổi.

Sau đó, tôi lấy lại đất, do không có kinh nghiệm trồng nên tôi buộc phải cho người khác thuê lại để tiếp tục trồng, chăm sóc vườn cam với giá 3 triệu đồng/công/năm. Tính ra, gia đình tôi đã lỗ gần 200 triệu đồng trong 4 năm vì không lấy được tiền thuê đất của người thuê trước, phần vì phải cho thuê lại với giá rẻ hơn”.

Cũng bị người thuê bỏ cọc, bỏ 5 công trồng cam gần 3 năm tuổi vì không chi trả nổi chi phí thuê trồng, anh Nguyễn Hoàng Tâm (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) không tìm ai cho thuê tiếp nên đành bấm bụng để vườn cam trồng tiếp trên đất.

Anh Tâm chia sẻ: “Tôi không có kinh nghiệm trồng, vườn cam lại không thuận tiện đường đi nên không tìm được ai cho thuê tiếp.

Giờ cam đang giai đoạn ra bông nhưng tôi không biết kỹ thuật làm bông làm trái nên đành để cam ra trái tự nhiên. Giờ chỉ mong tìm được ai có kinh nghiệm trồng cam thuê tiếp chứ để vườn cam không ai chăm sóc thì uổng quá”.

Theo một số người dân, trước đây khu vực này chủ yếu trồng lúa, tuy nhiên, tình trạng nhiều người lên liếp trồng cam trên ruộng khiến việc trồng lúa gặp khó khăn trong tưới tiêu, chăm sóc.

Do đó, không ít nông dân cũng đành để cho thuê đất trồng cam mà không tự trồng do không có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, không có nhân công, vốn đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng người thuê bỏ cọc, bỏ vườn cam khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn vì trồng tiếp thì không được mà phá vườn cam cũng không xong.

“Trước đây ruộng của tôi trồng lúa trúng lắm nhưng xung quanh người dân trồng cam nên không còn cách nào khác tôi phải cho thuê đất.

Giờ người thuê “bẻ kèo”, tuy có người thuê mới nhưng tôi cũng không an tâm. Do đó, khi hết thời gian thuê đất trồng cam tôi cũng phải tính đường khác để sản xuất trên đất của mình”- chú Tuấn cho hay.

Chia sẻ về nguyên nhân giá cam sành giảm, nhiều nhà vườn cho rằng những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh nên dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.

Một số thương lái cũng cho hay, thị trường tiêu thụ cam ngày càng thu hẹp nên khó mua bán; giá cả lại biến động tùy theo từng ngày, tùy thời điểm hàng ít hay nhiều và hàng đẹp hay xấu. Nếu ngày nào hàng ít sẽ có giá nhỉnh hơn, hàng nhiều dội chợ, giá sẽ xuống thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay, cam có quanh năm, không còn phân biệt rõ ràng mùa thuận hay mùa nghịch, trong khi cam chủ yếu chỉ tiêu thụ ở dạng tươi, nên bán chậm. Không chỉ vậy, hiện đang vào mùa mưa, sức tiêu thụ cam cũng đã có phần giảm hơn trước nên việc giá cam hồi phục ở mức cao như trước đây là rất khó.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 10.400ha trồng cam, trong đó, có khoảng 1/3 diện tích trồng cam là do nông dân thuê đất trồng cam trên đất ruộng. Hiện nay, lượng nông dân thuê đất trồng cam cũng đã giảm hơn trước.

Với mức giá như thời điểm này, người trồng cam chỉ huề vốn hoặc thua lỗ do đó nông dân cũng đã giảm chi phí đầu tư vào vườn cam, giảm phân bón, thuốc BVTV, trồng thưa hơn so với trước. “Tình trạng nông dân thuê đất trồng cam bỏ vườn không tiếp tục thuê có xảy ra trên địa bàn huyện.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân nên làm hợp đồng cụ thể rõ ràng cho thuê đất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân hạn chế trồng cam, chỉ trồng cam khi có kinh nghiệm, kỹ thuật và có biện pháp hạ giá thành sản xuất sản phẩm vì nếu bán giá cao thì rất khó tiêu thụ.

Đồng thời, có kết nối đầu ra, xây dựng mã số vùng trồng sản xuất. Không tự phát trồng cam ngoài vùng quy hoạch, những hộ chưa trồng cam thì không nên lên liếp đất trồng vì diện tích trồng cam đã tăng rất nhiều”- ông Tám cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202406/thue-dat-trong-cam-nhieu-nguoi-be-keo-vi-khong-gong-ganh-noi-chi-phi-3184292/