Nhiều diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng tại xã Ninh Điền bị vàng lá, khô lá.
Vạch từng khóm lúa bị vàng khô lá, anh Trần Văn Phương, canh tác gần 1,3 ha lúa tại ấp Gò Nổi sốt ruột cho biết, ruộng lúa của anh bị hiện tượng này đã hơn nữa tháng, ban đầu lá lúa ngã sang màu vàng, sau đó khô dần từ trên đọt khiến cây lúa không phát triển được, sau 2 lần phun xịt thuốc lúa đã phát triển được lá mới, không bị nhiễm bệnh nhưng anh Phương vẫn hết sức lo lắng vì hiện nay lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nếu tiếp tục nhiễm bệnh, cây lúa sẽ không thể trổ bông được.
Cạnh đó, ruộng lúa của những hộ khác cũng nhiễm bệnh, nhiều chỗ lúa bị chết khô dù chân ruộng vẫn có đủ nước. Ông L, ngụ ấp Trà Sim, xã Ninh Điền canh tác hơn 0,5 ha lúa cách ruộng anh Phương khoảng 500 m cho biết, ban đầu nhìn thấy lúa ngã vàng, không xanh tốt như những ruộng khác, nên ông vội bón thêm phân đạm. Tuy nhiên, sau hơn một tuần, lúa vẫn không phát triển, đến lúc này ông mới biết cây lúa bị bệnh.
Còn theo ông Lâm Văn Đông, nông dân tại ấp Bến Cừ, hiện nay nhiều diện tích lúa tại khu vực cánh đồng cầu Bàu Dài cũng đang bị hiện tượng lá lúa đột nhiên ngã vàng và khô từ từ khiến cây lúa kém phát triển, những ruộng vượt qua được gia đoạn này, bông trổ ra cũng ngắn, hạt nhỏ.
Lá lúa bị khô khiến cây lúa không phát triển được.
Ông Võ Anh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Điền cho biết, qua khảo sát, tổng diện tích lúa nhiễm bệnh cháy bìa lá trên địa bàn 2 ấp Gò Nỗi và Bến Cừ khoảng 31 ha, cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ bông, trong đó có 6 ha có mức độ nhiễm trung bình, tỷ lệ là 15-20%, còn 25 ha nhẹ tỷ lệ 5-10%.
Theo chị Lan Anh, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, qua kiểm tra xác định bệnh gây hại chính trên lúa là bệnh cháy bìa lá và đạo ôn lá. Triệu chứng ban đầu phía bìa lá chuyển vàng trước, sau đó phần chóp vàng và hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục. Giữa mô bệnh và mô khỏe có ranh giới rõ ràng, giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng, có khi chỉ một đường viền màu nâu đứt quãng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá và khô đầu lá do sinh lý.
Triệu chứng lá bạc là giai đoạn cuối của bệnh bạc lá, lúc này các mô lá nhiễm bệnh đã chết. Ngoài ra, bệnh vàng lá trên cây lúa còn do các tác nhân khác như do virus, do điều kiện thời tiết bất lợi như mưa nắng bất thường, nhiệt đổi thay đổi đột ngột, các chân đất sâu trũng, đọng nước rất dễ nhiễm vàng lá.
Khi thấy cây lúa có các triệu chứng nêu trên thì bà con nông dân cần ngưng ngay việc sử dụng phân đạm, luôn giữ đủ nước trong ruộng. Có thể bón vôi từ 200 kg/ha nhằm hạn chế khả năng phát triển và lây lan của vi khuẩn trên diện rộng; cần thăm đồng thường xuyên: phát hiện bệnh sớm và xử lý ngay bằng các loại thuốc đặc trị bệnh vi khuẩn để phòng trừ như Amistar Top và các loại thuốc kháng vi khuẩn khác, khi phun thuốc cần phun kỹ và ướt đều trên lá lúa.
Minh Dương