|
  • :
  • :

Nông dân Đức Phổ trồng măng cụt hữu cơ

Tháng 6 năm nay, những trái măng cụt hữu cơ đầu tiên của nông dân Đức Phổ (huyện Cát Tiên) được đưa ra thị trường. Sau nhiều năm cố gắng và thay đổi cách làm, người nông dân đã bắt đầu gặt hái thành quả của mình.

 
 
Nông dân vui mừng bởi chứng nhận sản xuất hữu cơ làm gia tăng giá trị nông sản
Nông dân vui mừng bởi chứng nhận sản xuất hữu cơ làm gia tăng giá trị nông sản
 
Những ngày này, ở khắp các miệt vườn trên vùng cây ăn trái của xã Đức Phổ là không khí khẩn trương, rộn ràng thu hoạch trái cây. Măng cụt, chôm chôm, bưởi… trĩu cành. Bên cạnh màu xanh của mạ non trên đồng ruộng, trái cây Đức Phổ ngày càng được nhiều người biết đến. 
 
Giữa cái nắng chói chang của những ngày hè, khu vườn rộng 4 sào của ông Nguyễn Lân (Thôn 3, xã Đức Phổ) trở nên dịu mát hơn bởi 100 gốc măng cụt xanh tốt đang mùa hái quả. Năm nay, ông dự kiến thu được 1,5 - 2 tấn quả. Dù sản lượng giảm hơn năm ngoái nhưng với mẫu mã đẹp, gia đình ông vẫn có nguồn thu ổn định với giá bán từ 40 - 60 nghìn đồng/kg.
 
Ông Nguyễn Lân là một trong những người đầu tiên đưa cây măng cụt về bám rễ đất Cát Tiên từ cách đây 18 năm. Năm 2004, khi những vườn tiêu bị thất thu do thường xuyên bị ngập úng, chính quyền xã Đức Phổ chủ trương chuyển đổi cây trồng. Tìm tòi, học hỏi, ông Lân quyết định trồng thử nghiệm 30 cây măng cụt, rồi dần dần nhân rộng thêm. Sau 7 năm vun trồng, vườn măng cụt mới bắt đầu cho trái bói và sau 10 năm thì thu rộ. 
 
Theo ông Nguyễn Lân, trồng măng cụt không khó nhưng để đạt các tiêu chuẩn của sản xuất hữu cơ thì nông dân cần phải tuân theo quy trình chăm sóc, theo dõi của hợp tác xã (HTX), ghi chép nhật ký chăm sóc, thời gian cách ly. Đồng thời, bón phân chuồng đã qua xử lý thay phân hóa học, vừa cho sản phẩm sạch, vừa tiết kiệm phí đầu tư. Mặc dù mẫu mã măng cụt hữu cơ không đẹp bằng măng cụt trồng truyền thống, nhưng vị ngọt thanh hơn và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Tính đến tháng 5/2022, trên toàn xã có 1,37 ha măng cụt được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Là đơn vị trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng nông dân chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Đức Phổ hiện đang thu mua toàn bộ măng cụt hữu cơ nông dân sản xuất được. Ông Kim Văn Vang - đại diện HTX cho biết: “Do sản lượng chưa nhiều nên măng cụt hữu cơ hiện tại chỉ đủ phục vụ cho người tiêu dùng tại địa phương và một lượng ít được đưa vào Bách hóa xanh, với giá bán cao hơn so với măng cụt trồng truyền thống từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện người dùng vẫn chưa xác định được cái nào là canh tác truyền thống, cái nào là hữu cơ, cái nào là VietGAP, nên người ta khó chấp thuận cái giá mà mình đưa ra”. 
 
Do đó, song song với việc chuyển đổi dần diện tích canh tác măng cụt sang hướng hữu cơ thì từ năm 2022, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Đức Phổ cũng bắt đầu liên kết cùng các hộ nông dân đăng ký mã vùng trồng trên diện tích hơn 10 ha, với mục tiêu mỗi trái đưa ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo uy tín, chất lượng của trái cây địa phương. 
 
HTX hiện có 9 thành viên và liên kết với gần 100 nông dân trong xã Đức Phổ, với tổng diện tích trái cây gần 80 ha gồm 4 loại: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi. Sau măng cụt, tới đây HTX sẽ tiếp tục xây dựng mã vùng trồng cho các loại trái cây còn lại để đầu ra được ổn định hơn, nông dân cũng sẽ yên tâm sản xuất.
 
Ông Doãn Lê Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phổ cho biết, hiện nay, HTX đã hướng dẫn, đồng hành cùng bà con nông dân chuyển đổi dần sang hướng sản xuất hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng để trái cây Đức Phổ có đầu ra mở rộng hơn, thị trường tin tưởng hơn, hướng đến một nền sản xuất bền vững và có giá trị lâu dài. Định hướng của chính quyền địa phương là tiếp tục hướng đến nông nghiệp bền vững. Chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang VietGAP, hữu cơ với tất cả các cây như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh để mang đến những thị trường khó tính như là các siêu thị lớn trên toàn quốc.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/nong-dan-duc-pho-trong-mang-cut-huu-co-3124464/