|
  • :
  • :

Nông nghiệp Di Linh: Thích ứng để phát triển

Dịch COVID-19 đi qua, nông nghiệp một lần nữa khẳng định vai trò nền tảng, là “trụ đỡ” quan trọng khi nền kinh tế rơi vào khó khăn. Nhưng trong guồng quay chung của sự phát triển, nông nghiệp nói chung và những địa phương lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế chủ đạo như huyện Di Linh nói riêng buộc phải có những thay đổi để phát triển và thích ứng. 

 
 
 
 
Thực hiện xen canh, đa dạng hóa cây trồng ngay trên cùng diện tích canh tác là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp của Di Linh
Thực hiện xen canh, đa dạng hóa cây trồng ngay trên cùng diện tích canh tác là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp của Di Linh
 
Với sự nỗ lực đáng ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Nông nghiệp của Di Linh có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,4%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích làm mục tiêu chủ yếu. Theo đó, giá trị sản xuất/ha trồng xen của Di Linh đạt bình quân 180 - 200 triệu đồng. Con số này đã tăng 1,15 lần so năm 2015 và tăng gấp 2 lần so với năm 2010.Ngoài ra, trên địa bàn huyện Di Linh hiện nay cũng đã xuất hiện những diện tích trồng hoa đạt giá trị trên 1 tỷ/ha. Những con số “biết nói” rõ ràng là tín hiệu vui cho ngành Nông nghiệp Di Linh. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để “tạo đà” cho mảnh đất này phát triển. 
 
Theo đánh giá của huyện Di Linh, hiện nay, nền nông nghiệp của địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các vấn đề như tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều lúng túng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ khi còn gần 35% diện tích thiếu nước tưới khi gặp nắng hạn kéo dài… đã đặt ra bài toán cần giải quyết trước mắt cho ngành Nông nghiệp.
Bí thư Huyện uỷ Di Linh, ông Đinh Văn Tuấn cho rằng, để phát triển nông nghiệp chất lượng cao cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để từng bước làm thay đổi nền nông nghiệp theo hướng tích cực. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường; mở rộng cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư phát triển; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực;  đảm bảo liên kết chặt chẽ từ đầu vào, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm ổn định; phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với gìn giữ, bảo vệ môi trường… là những vấn đề mà huyện Di Linh đang tập trung hướng đến hiện nay.
 
 
 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ trong các khâu đột phá: Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Đó là hướng đi được xác định cho các địa phương trong tỉnh và Di Linh cũng không là ngoại lệ.
 
Để quyết tâm tập trung phát triển ngành kinh tế này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Di Linh đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ những nhiệm vụ tiếp theo cho ngành Nông nghiệp, cả trước mắt và lâu dài hay nói cách khác, nghị quyết đã hội tụ trí tuệ tập thể, là “kim chỉ nam” cho địa phương này trong phát triển nông nghiệp. 
 
Thực hiện các nội dung của Nghị quyết, huyện Di Linh đã và đang tập trung nguồn lực và đổi mới sản xuất để phát triển nông nghiệp. Xây dựng các mô hình liên kết để tạo tiêu thụ hàng nông sản. Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng sản xuất bền vững thông qua việc lựa chọn một số sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… nhằm phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ổn định diện tích cây lương thực, cây chè, cà phê hiện có. 70% diện tích cà phê được sản xuất theo quy trình, chứng nhận của nhà xuất khẩu, rang xay. Phát triển mạnh ngành Dâu tằm. Tăng cường thực hiện xen canh, đa dạng hóa cây trồng ngay trên cùng diện tích canh tác. Đẩy mạnh quảng bá và xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận cho các nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương như bơ, sầu riêng, mắc ca… 
 
Ghi nhận tại UBND huyện Di Linh, hiện, những mục tiêu trên đang được địa phương này triển khai thực hiện với 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, tuyên truyền trong Nhân dân là giải pháp xương sống, hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững. 
 
Sự nỗ lực từ chính quyền địa phương đã được người dân nhìn nhận rõ, góp phần tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất của địa phương. Sự đồng thuận ấy sẽ góp phần tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo nền tảng vững chắc trong tiến trình xây dựng huyện nông thôn mới của Di Linh.
(CÒN NỮA) 
 
 

 

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202205/nong-nghiep-di-linh-thich-ung-de-phat-trien-3115167/