|
  • :
  • :

Nông sản, thực phẩm tết: Không để đứt gãy nguồn cung

Theo ngành chức năng, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một thời đoạn ngắn.

Nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao dịp Tết.
Nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao dịp Tết.

Theo ngành chức năng, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một thời đoạn ngắn.

Theo đó, ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng đang có biến động về giá đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và cân đối cung - cầu dịp Tết.

Xuất khẩu còn gặp khó, nhu cầu tiêu thụ khá lớn

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường rau quả của Việt Nam còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%.

Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu rau quả dịp Tết sẽ cao. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Năm trước, dịp giáp Tết Nguyên đán, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam.

Năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách này nên tình hình sẽ khởi sắc hơn. Có thể vẫn sẽ có hiện tượng ùn ứ tại biên giới nhưng không nhiều như năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Huấn - đại diện Cục Trồng trọt, cuối năm 2022 đầu năm 2023, việc xuất khẩu nông sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thể làm chậm xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, việc chậm cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc, gây khó khăn cho tiêu thụ sầu riêng rải vụ hiện nay tại vùng ĐBSCL.

Chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc BVTV tăng tác động đến sản xuất cây ăn trái, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây.

Ngoài ra, tình hình xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sản xuất một số vùng cây ăn trái chưa có đê bao khép kín; việc tăng nhanh diện tích sản xuất sầu riêng tại một số vùng có điều kiện sinh thái không phù hợp, có thể dẫn đến thiệt hại sau khi trồng.

Trong khi đó, về tình hình cung cầu sản phẩm trong nước, tại diễn đàn Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 tổ chức mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp - PTNT các địa phương đều khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm trong dịp Tết cho người dân trên địa bàn, đồng thời cung ứng cho các đô thị lớn có mức tiêu thụ cao, với mức giá không biến động nhiều.

Đảm bảo nguồn cung

Theo ngành chức năng, dịp Tết là cơ hội rất lớn để các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT TP Cần Thơ, cho hay: Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, doanh nghiệp cân đối nguồn hàng dịp cuối năm.

Các doanh nghiệp cần đảm bảo cung ứng sản phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo cung ứng sản phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn đã cam kết tham gia vào chương trình bình ổn giá. Đồng thời, hầu hết các nhà vườn đã có liên kết với các doanh nghiệp, thương lái để bao tiêu sản phẩm trong dịp Tết.

Cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, bà Phạm Thị Huân - đại diện Công ty CP Ba Huân, cũng cho biết: Dịp lễ tết năm 2023 tới đây, công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức.

Đồng thời, trong nhiều năm, công ty đã đưa hệ thống bán lẻ về các tỉnh, thành phố và đã được người tiêu dùng tại các địa phương tín nhiệm. Đó là niềm vui của doanh nghiệp với bà con nông dân.

Để tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa nông sản, thực phẩm dịp Tết, ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất cần mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống, vừa tạo không khí Tết vừa là giải pháp tiêu thụ rau củ quả cho nông dân; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT), cho biết: Vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 50% lượng hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục chính sách “zero COVID”, do đó việc xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Hiện nay, việc xuất khẩu phải được gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Qua thông tin từ các địa phương, có thể thấy mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng biệt. Mong mỗi địa phương cung cấp những số liệu cụ thể để có thông tin cụ thể cung cấp đến các doanh nghiệp, các đối tác đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông. Điều quan trọng nhất, mong các doanh nghiệp đã và đang tính đến việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường, đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ vùng ĐBSCL mà đối với cả nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Huy Huệ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT TP Hồ Chí Minh)

Nguồn cung nông sản cho TP Hồ Chí Minh vẫn phụ thuộc vào các tỉnh lân cận. Cụ thể, dịp Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả, trong đó thành phố sẽ đáp ứng được khoảng 20%; nhu cầu thịt heo là 230.000 con heo, thành phố đáp ứng 8 - 10% so với nhu cầu; về thủy sản nhu cầu khoảng 450.000 tấn, khả năng cung ứng đạt khoảng 15%... Về thị trường hoa cây cảnh, nhu cầu dự báo không tăng mạnh, nhiều nhà vườn cho biết hiện nay nhu cầu còn ít, giá dự báo sẽ không tăng so với dịp Tết Nguyên đán năm trước… Nhiều mặt hàng khác như gạo, gia cầm… thành phố cũng không đáp ứng được nhiều.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202212/nong-san-thuc-pham-tet-khong-de-dut-gay-nguon-cung-3149308/