|
  • :
  • :

Nông thôn mới trên vùng kinh tế mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với cả tỉnh Lâm Đồng thì diện mạo nông thôn huyện Cát Tiên đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển nhanh, bền vững; kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao về cả vật chất lẫn tinh thần… Đó là kết quả vận dụng linh hoạt, sáng tạo những chủ trương, chính sách sát với thực tế và hợp lòng dân của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện.

 
 
Những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cát Tiên ngày càng được đầu tư khang trang, sạch đẹp
Những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cát Tiên ngày càng được đầu tư khang trang, sạch đẹp
 
Cát Tiên là huyện vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài cư dân bản địa Châu Mạ, K’Ho và S’Tiêng thì phần lớn dân số là người dân từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định vào lập nghiệp, phát triển kinh tế. Là một trong những vùng kinh tế mới của tỉnh Lâm Đồng, từ khi thành lập huyện vào năm 1987 đến nay, huyện Cát Tiên đã trải qua chiều dài phát triển đi lên và vượt qua không ít thăng trầm, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
 
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và là cơ hội để đưa địa phương phát triển về mọi mặt, trong những năm qua, huyện Cát Tiên đã triển khai xây dựng NTM và đạt được những thành quả quan trọng. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM trên địa bàn.
 
Xã Gia Viễn (huyện Cát Tiên) là địa phương vừa được công nhận xã NTM kiểu mẫu khi hoàn thành 14/14 tiêu chí; trong đó, lấy bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan làm trung tâm. Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Viễn Nguyễn Đình Lập không giấu nỗi niềm hạnh phúc và tự hào về kết quả này; đồng thời, khẳng định đây là thành quả của sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương. Trong suốt quá trình hơn 10 năm xây dựng NTM nói chung và xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nói riêng, Gia Viễn luôn xác định Nhân dân là chủ thể thực hiện, đồng thời là chủ thể hưởng lợi của chương trình. Chính vì vậy, trong hơn 10 năm xây dựng NTN, nhiều cái tên đã được ghi danh trong “bảng vàng” của địa phương như: Đảng viên Trần Nam Trung (Chi bộ thôn Trung Hưng) vận động cùng bố và em trai đóng góp 120 triệu đồng, hiến 2.050 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; ông Đào Văn Nụ (thôn Tân Xuân) đóng góp 37 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, còn có các đảng viên Lê Chí Đắc, Nguyễn Thị Hót và nhiều hộ dân khác đóng góp hàng trăm triệu đồng, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn.
 
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong năm 2021, Đảng ủy, UBND xã Gia Viễn thực hiện việc phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, cán bộ, công chức, đảng viên, các tổ chức đoàn thể; trong đó, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để vận động Nhân dân tự giác thực hiện các phong trào, phần việc.
 
Đường phố trung tâm thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên hôm nay
Đường phố trung tâm thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên hôm nay
 
Ông Điểu K’Long - Bí thư Chi bộ Bản Brun (xã Gia Viễn), cho biết: “Bản Brun có 24 hộ, 78 nhân khẩu với 100% là đồng bào Châu Mạ và Chi bộ có 6 đảng viên. Đến hiện tại, Bản không còn hộ nghèo và được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu. Để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đảm bảo “sáng, xanh, sạch, đẹp”, chúng tôi xác định cán bộ, đảng viên trong Bản phải là những người tiên phong góp công, góp của để huy động Nhân dân cùng xây dựng tuyến đường thắp sáng đường quê. Nhờ đó, toàn tuyến đường có chiều dài hơn 300 mét đã được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp người dân đi lại, vui chơi và sinh hoạt đảm bảo an toàn, sạch, đẹp và văn minh”.
 
Khi nội lực được phát huy, Nhân dân địa phương luôn hăng hái đóng góp để tiếp tục đầu tư, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Gia Viễn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích trong việc xây dựng các tiêu chí NTM kiểu mẫu, từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí. Cụ thể, xã có chính sách hỗ trợ các thôn, bản xây dựng mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”; đầu tư xây dựng 42 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực sản xuất. Toàn xã cũng đã xây dựng được 9 tổ hợp tác và 4 hợp tác xã nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản cho người dân. Đến thời điểm này, toàn xã có 4/8 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 
 
“Toàn xã có 52 tuyến đường giao thông nông thôn, với hơn 32 km được bê tông hóa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm. Cùng với các nguồn lực của nhà nước, trong năm 2020, Nhân dân địa phương đã đóng góp gần 2,3 tỷ đồng, hơn 9.500 m2 đất và trên 5.000 ngày công lao động xây dựng các cơ sở hạ tầng nông thôn. Tin rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân sẽ góp phần để Gia Viễn ngày càng đổi mới về diện mạo, xứng đáng là vùng quê hương thứ 2 đáng sống của người dân địa phương” - ông Nguyễn Đình Lập - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn cho hay.
 
Trở lại câu chuyện xây dựng NTM của huyện Cát Tiên thì thời điểm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này, hầu hết các xã trên địa bàn đều có điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, nhiều “nút thắt” về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường, giao thông, nhà ở dân cư, hộ nghèo, nước sinh hoạt… cần được tháo gỡ.
 
Sầu riêng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được huyện Cát Tiên chú trọng chuyển đổi trồng thâm canh trên những diện tích đất phù hợp
Sầu riêng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được huyện Cát Tiên chú trọng chuyển đổi trồng thâm canh trên những diện tích đất phù hợp
 
Nói về việc tháo gỡ những “nút thắt” hiệu quả trong xây dựng NTM thì Đức Phổ là địa phương điển hình của huyện Cát Tiên. Từ năm 2012 trở về trước, ngoài diện tích sản xuất lúa ổn định, nhiều loại cây trồng khác như mía, bắp và sắn trên địa bàn xã mang lại hiệu quả không cao; chăn nuôi cũng chỉ dừng lại ở mức manh mún, nhỏ lẻ. Song, xã Đức Phổ vẫn đặt ra mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Để về đích đúng hẹn, Đảng ủy, chính quyền xã Đức Phổ xác định phấn đấu hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình từng năm.
 
Ông Nguyễn Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Đức Phổ, nhớ lại: “Trước đây, chúng tôi xác định, một trong những giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” cho những tiêu chí khó là phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Dựa trên những chủ trương, chính sách của huyện, chúng tôi đã từng bước đánh giá hiệu quả kinh tế các loại cây trồng để xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Đối với những diện tích đất sản xuất không thể trồng lúa, địa phương đã chủ động chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm và măng cụt tại các Thôn 1 và Thôn 2. Để thay đổi nhận thức và khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi, xã đã cử cán bộ về các tỉnh miền Tây để lựa chọn mua các giống cây ăn trái chất lượng cao; đồng thời, liên kết với một số đơn vị để mời về địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn trái cho bà con”.
 
Trong công tác huy động Nhân dân đóng góp xây dựng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, môi trường… xã Đức Phổ tuyệt đối không dùng biện pháp áp đặt mà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Những vấn đề mang tính cộng đồng sâu sắc như hiến đất làm đường, tạo cảnh quan môi trường… đều được công khai lấy ý kiến người dân thông qua các cuộc họp thôn. Đảng ủy, UBND xã cũng tổ chức phát động thi đua xây dựng NTM giữa các chi bộ và các thôn. Trong đó, cán bộ, đảng viên là những người đầu tàu gương mẫu tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM. Đồng thời, xã phân công cụ thể từng thành viên trong cấp ủy đảm nhận trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn từng tiêu chí cụ thể để kịp thời thực hiện, kiểm tra, đánh giá. Từ cách làm này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM. Nhờ vậy, đến năm 2015, Đức Phổ đã khoác lên mình “chiếc áo mới” từ phát triển kinh tế - xã hội đến diện mạo nông thôn, làm thay đổi tích cực mọi mặt đời sống Nhân dân và được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận xã đạt chuẩn NTM.
 
Đến nay, xã Đức Phổ đã xây dựng được các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm và măng cụt chất lượng cao hơn 440 ha; trong đó, có khoảng 300 ha đã cho thu hoạch. Trung bình đang mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ 450 - 500 triệu đồng/ha. Riêng cây sầu riêng đạt mức thu nhập khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng/ha. Cùng với đó, xã Đức Phổ cũng đã phát triển được đàn bò hơn 1.700 theo thức hình chăn nuôi bán công nghiệp. Đối với diện tích trồng lúa, địa phương đã đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất trên diện tích từ 300 - 320 ha mang thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”. Hiện tại, xã Đức Phổ đã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang trên đà hoàn thành các tiêu chí đạt xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
 
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao là thương hiệu và thế mạnh của nông nghiệp huyện Cát Tiên
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao là thương hiệu và thế mạnh của nông nghiệp huyện Cát Tiên
 
 
 
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến này, Cát Tiên có 7/7 xã đạt chuẩn NTM và đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Địa phương đang đề nghị các cấp có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá để công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong thời gian tới. 
 
Hiện, trên địa bàn huyện có 17 chuỗi liên kết (15 chuỗi cấp huyện và 2 chuỗi liên tỉnh) trên diện tích khoảng 2.200 ha với 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đồng thời, xây dựng và duy trì 21 hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả. Tổng nguồn lực huy động huy động xây dựng NTM của huyện Cát Tiên trong 10 năm qua đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp 135 tỷ đồng. Đảng bộ 7/7 xã đều được cấp ủy, chính quyền huyện đánh giá, xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; 100% chính quyền xã đạt danh hiệu “Chính quyền trong sạch, vững mạnh”.
 
Cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư khang trang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Đến nay, toàn huyện có 367/408 km đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 89%; có 195/255 km kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp của vùng lúa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.
 
Nói về những đổi thay đổi của quê hương Cát Tiên, đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, khẳng định: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Cát Tiên đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học... Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt. Các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa trên địa bàn được giữ gìn và phát triển. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân ngày càng được nâng cao. Những kết quả trên đã góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà sau gần 35 năm hình thành và phát triển.
 
Khi triển khai thực hiện chương trình NTM vào năm 2010, Đồng Nai Thượng là xã 30a, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau 10 năm, Đồng Nai Thượng đã hoàn thành 18/18 tiêu chí và đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020. Trong ảnh là trung tâm hành chính xã Đồng Nai Thượng được xây dựng khang trang
Khi triển khai thực hiện chương trình NTM vào năm 2010, Đồng Nai Thượng là xã 30a, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau 10 năm, Đồng Nai Thượng đã hoàn thành 18/18 tiêu chí và đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020. Trong ảnh là trung tâm hành chính xã Đồng Nai Thượng được xây dựng khang trang
 
Để đạt được kết quả trên, đầu mỗi nhiệm kỳ và hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Cát Tiên đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Đây chính là cơ sở để Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành Nghị quyết hoặc kế hoạch triển khai xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. 
 
Kết quả đạt được thì nhiều nhưng những khó khăn, thách thức cũng không ít trong hơn 10 năm xây dựng NTM trên vùng đất kinh tế mới và cũng là vùng căn cứ cách mạng, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam của vùng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: Trong lộ trình xây dựng huyện NTM nâng cao, tiến tới huyện NTM kiểu mẫu vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục khi một số tiêu chí NTM đã đạt nhưng chưa bền vững; khâu tổ chức sản xuất trên địa bàn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa bền vững. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của địa phương đó chính là tính bền vững trong xây dựng hạ tầng nông thôn và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, việc thực hiện một số tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu chưa thật sự đồng bộ… Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Kinh nghiệm sau hơn 10 năm xây dựng NTM cho thấy, công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM và tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, như: Bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan khu dân cư kiểu mẫu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, tham gia bảo hiểm y tế… Qua đó, từ thôn, bản đến xã, huyện từng bước hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
 
Trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Cát Tiên khóa VIII về lãnh đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025 sẽ hướng đến xây dựng địa phương tiệm cận các tiêu chí huyện NTM nâng cao; từ đó, tạo điều kiện để xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về môi trường trong giai đoạn 2025 - 2030.
 
Theo đó, huyện Cát Tiên xác định phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu then chốt để phát triển địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách của Trung ương và của tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các loại cây ăn trái chất lượng cao như sầu riêng, bưởi, măng cụt, chôm chôm, mít và cây dâu tằm.
 
Thời gian tới, để xây dựng huyện NTM nâng cao và tiến tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, Cát Tiên sẽ tiếp tục có sự định hướng, đôn đốc các xã duy trì nâng cao các tiêu chí NTM. Từ đó, phấn đấu mỗi năm có từ 1 - 2 xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng, cùng chung tay xây dựng Cát Tiên ngày càng đổi mới, phát triển bền vững, giàu đẹp.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinhtri/202110/tac-pham-du-thi-giai-bao-chi-ve-de-tai-xay-dung-dang-nong-thon-moi-tren-vung-kinh-te-moi-3085027/