Mô hình nuôi cá tầm ở A Lưới thành công bước đầu
Ghé lại mô hình nuôi cá tầm gần thác A Nôr (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) của anh Hồ Thanh Phương, không chỉ chủ nhân của những hồ cá vui mừng mà chính lãnh đạo UBND huyện A Lưới, phòng NN&PTNT huyện cũng rất phấn khởi. Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện chia sẻ: “Mô hình đã cho thấy triển vọng. Cá phát triển tốt, mọi người tham quan mô hình rất thích. Đầu ra cũng được người mua đánh giá cao. Thành công từ thử nghiệm mở ra triển vọng nhân rộng mô hình và kết hợp làm du lịch”.
“Để nuôi cá tầm, tôi phải dẫn nguồn nước trực tiếp từ thác A Nôr thông qua hệ thống đường ống được đầu tư bài bản. Ngoài nguồn nước nuôi phải trong sạch, không bị ô nhiễm và có hàm lượng oxy hoà tan cao thì đáy ao nuôi cá phải vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bùn đất. Hệ thống ao nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá tốn kém nên sau những lần thất bại, tôi tiếp tục tìm hiểu rút kinh nghiệm. Từ cuối năm 2020 đến nay, hiểu được các đặc tính cá hơn để có phương pháp thích hợp, mô hình cũng cho thấy thành công bước đầu. Đến nay, tôi đang nuôi 4 hồ, diện tích khoảng 600m2, quy mô khoảng 1.500 – 1.600 con”, anh Phương kể.
Kết quả sau hai năm thử nghiệm không chỉ là cá thích nghi ở điều kiện nuôi, ao hồ, khí hậu mà đầu ra sản phẩm cũng được đánh giá cao. Anh Phương cho biết, mỗi con cá tầm nuôi 7 tháng nặng khoảng 1,5kg. Giá bình quân mỗi kg cá từ 250.000 – 300.000 đồng. Còn theo ông Văn Lập, qua tính toán, nếu hạ giá để kích cầu, người nuôi vẫn có lãi. Đặc biệt hơn, còn có thể kết hợp làm du lịch khi mô hình du lịch cộng đồng ở A Nôr đang phát triển tốt.
Đặc thù nuôi cá gần dưới chân thác A Nôr, du khách khi tới điểm du lịch này đều ngang qua mô hình nuôi cá tầm. Đặt bảng chỉ dẫn ngay trên con đường tiến vào thác A Nôr, không ít du khách sau khi tắm thác dừng chân trải nghiệm, tham quan mô hình nuôi cá tầm này. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một du khách từng ghé thăm mô hình nuôi cá cho biết: “Ngỏ lời trải nghiệm sẽ được chủ nhân mô hình nuôi cá tầm cho tham quan miễn phí. Tôi thấy mô hình này rất hay, không gian cũng rất đẹp. Đây cũng có thể là một trải nghiệm kết hợp nếu đến thác A Nôr”.
Kết hợp làm du lịch với mô hình nuôi cá tầm không chỉ có thế. Theo anh Phương, ngoài việc kết hợp cho du khách tham quan, khu đất gần 3ha đang dần được phủ xanh bởi nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi da xanh, vú sữa, chuối, diện tích áo hồ cũng đang được mở rộng. Định hướng phát triển nơi đây sẽ trở thành một farmstay để khách trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Tận dụng vào thiên nhiên, farmstay – loại hình du lịch hợp hợp trải nghiệm nông trại và lưu trú được nhiều người yêu thích. Khách cũng có thể câu cá thư giãn, đồng thời mở ra mô hình ẩm thực cá tầm, chế biến các món ăn từ cá xứ lạnh này để phục vụ du khách.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới cho biết, từ hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm và hướng kết hợp du lịch của anh Phương, ngành du lịch của địa phương cũng định hướng kết nối các tour tuyến để du khách trải nghiệm. Về lâu dài, hình thành điểm đến trong chuỗi kết nối du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang phát triển ở A Nôr.
Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Dựa vào những đặc điểm của huyện miền núi A Lưới có độ cao, nhiệt độ, nguồn nước có thể đáp ứng những yêu cầu để phát triển đối tượng nuôi này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn A Lưới là nơi thí điểm nuôi loại cá tầm. Đến nay, cá đang phát triển tốt, phù hợp với đặc điểm khí hậu A Lưới. Điều đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có thể giải quyết vấn đề đặc sản vùng miền ở A Lưới. Huyện cần có cơ chế khuyến khích phát triển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về mặt kỹ thuật chuyên môn.
Bài, ảnh: Hữu Phúc