|
  • :
  • :

Phập phù hoa tết

Tiết trời vụ đông không thuận lợi cộng với ảnh hưởng dịch COVID-19, báo hiệu một vụ hoa tết không mấy thuận lợi cho người nông dân từ việc ươm cây cho đến thị trường đầu ra.

Người trồng hoa tết ở Huế lo lắng cho thị trường đầu ra

Nông dân gặp khó

Diện tích trồng hoa Tết Nguyên đán các loại năm nay ở Phú Mậu (TP. Huế) giảm đáng kể do thời tiết đầu vụ không thuận lợi, ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến lao động tham gia trồng cũng gặp khó khăn.

Phú Mậu là vùng trồng hoa nổi tiếng, một trong những vựa hoa lớn cung cấp cho thị trường hoa tết tại Huế. Những ngày cuối năm, nông dân nơi đây đang tất bật ra đồng chăm sóc, chuẩn bị vụ hoa cho Tết Nguyên đán, chủ yếu là hoa cúc các loại.

Ông Lê Ngọc Chất (thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu) cho biết, năm nay diện tích trồng hoa của gia đình có giảm, chủ yếu là trồng cúc ruby (cúc nhiều màu), đã được xuống giống khoảng 1,5 tháng nay. Chăm sóc hoa giai đoạn này chủ yếu cắm nan chống đỡ, trồng dặm lại những cây đã hư hỏng.

Do từ đầu vụ gặp thời tiết lạnh kéo dài nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Năm nay ảnh hưởng dịch bệnh nên người trồng cũng gặp khó, không “mạo hiểm” để tăng diện tích vì không có lao động và lo ngại thị trường đầu ra bị “bó hẹp”.

Theo nông dân trồng hoa Phú Mậu, giống hoa cúc ruby được lấy từ Đà Lạt với giá khoảng 500 đồng/gốc. Thông thường được trồng từ 15 đến 17 nghìn gốc/sào. Tuy  nhiên, năm nay do lo lắng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động (thiếu người chăm sóc cây) cũng như thị trường đầu ra sẽ gặp khó nên người dân chỉ trồng 10 đến 11 nghìn gốc/sào.

“Những cây hư hỏng hoặc trồng mới hiện nay chắc chắn sẽ không kịp cho vụ tết nên nông dân chỉ tập trung chăm sóc những luống hoa còn lại. Từ đây đến cuối năm nếu thời tiết thuận lợi, thị trường không bị ảnh hưởng thì sau khi trừ đi chi phí, người trồng hoa hy vọng có thể thu về được vài chục triệu đồng cho mỗi sào”, ông Chất cho biết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh năm 2021, diện tích trồng hoa toàn tỉnh khoảng 61 ha. Trong đó, hoa trồng chậu khoảng 119.400 chậu (Phong Điền 500 chậu, Quảng Điền 1.600 chậu, Hương Thủy 48.000 chậu, Phú Vang 10.000 chậu, TP. Huế 50.000 chậu, A Lưới 8.300 chậu…).  Từ nhiều năm nay, sản xuất cây vụ đông - trong đó có hoa tết, được khẳng định là vụ sản xuất quan trọng, làm gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nông dân. Với các tiến bộ về giống cây trồng, đã đưa vào sản xuất được một số giống hoa mới phù hợp với yêu cầu sản xuất vụ đông cũng như thị trường tết.

Nhiều giải pháp

Ông Lê Văn Anh, Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, đối với vụ hoa tết hàng năm, đơn vị phối hợp, khuyến cáo các địa phương cần tuân thủ các giải pháp kỹ thuật để các loại hoa trồng đạt năng suất tốt, kịp tiến độ thời vụ bán trong dịch tết. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân.

Theo đó, khuyến cáo nông dân ưu tiên sử dụng giống sạch bệnh để trồng. Đối với cây trồng chậu cần đưa vào nơi có mái che, khuất gió, tưới cho cây bằng nước ấm. Đối với cây trồng luống tăng cường ủ gốc, luống bằng rơm, tro trấu, tăng cường bón phân kali và vitamin B1. Đồng thời, bổ sung ánh sáng trong thời tiết mưa lạnh kéo dài, để sưởi ấm và giúp cây quang hợp tốt hơn, có thể thắp đèn để sưởi ấm cho cây.

Mặt khác, để hạn chế sinh vật gây hại, khuyến cáo người dân bón phân cân đối hợp lý, tránh bón đạm quá nhiều. Khi xuất hiện sâu bệnh gây hại cần phòng trừ kịp thời, nhất là trước và sau khi có các đợt mưa rét, không khí lạnh tràn về; khi thời tiết tạnh ráo trở lại nông dân chú ý phải tiến hành phun phòng trừ các bệnh như bệnh thối thân, thối rễ, thán thư, đốm đen… không để bệnh lây lan trên diện rộng. Dùng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ; chú ý phun ướt đều lên lá và thân cây.

Khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm tăng hiệu quả sử dụng thuốc, giảm nguy cơ kháng thuốc của sinh vật gây hại, ảnh hưởng đến cây trồng, các loại sinh vật có ích, sức khỏe con người và môi trường.

Các địa phương và các cơ sở sản xuất chủ động tìm kiếm thị trường tại các chợ đầu mối, các chợ nhỏ tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm mang tính thời vụ. Chú ý tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thời gian cách ly trong sử dụng thuốc BVTV, thời gian thu hoạch đảm bảo sản phẩm tạo ra an toàn đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình chuyển đổi số, kinh tế số nhằm đưa sản phẩm rau, hoa vụ đông lên giao dịch sàn điện tử, góp phần tăng giá trị sản phẩm.

Ngại đưa giống hoa mới về

Theo khảo sát của Chi cục TT&BVTV tỉnh, bên cạnh các giống hoa được trồng ở Huế như cúc, lan, mai vàng, bonsai các loại… hiện nay, không ít các chủ vựa hoa dự kiến sẽ nhập các loại hoa ly, tulip, hoa lan, quất,…  từ các tỉnh, thành phía nam như Đà Lạt, Phú Yên, Bình Định về bán. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn và người dân lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa trong dịp Tết Nguyên đán nên còn e dè trong việc nhập hàng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/phap-phu-hoa-tet-a108080.html
Tags: Phập phù
Tin liên quan
Chưa có thông tin