|
  • :
  • :

Phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ nông thôn Việt Nam trong SXKD nông sản và thực phẩm an toàn

Thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm qua chế biến của Việt Nam ngày càng được mở rộng, hiện có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU.

Góp phần vào những thành tựu đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Ở nước ta hiện nay trong gần 80% phụ nữ của khu vực nông thôn thì có đến 58% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một chủ thể quan trọng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Họ không chỉ là người lao động chính mà còn là người góp phần sản xuất ra phần lớn nông sản, đặc biệt phụ nữ nông thôn có các vai trò nổi bật sau:

Thứ nhất, phụ nữ nông thôn là những hạt nhân cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền và thực hiện tham gia bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Tiêu chí số 13 (về sản xuất nông nghiệp) và  tiêu chí 17 “Môi trường và An toàn thực phẩm”  một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất khi các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, phụ nữ nông thôn đã mạnh dạn chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang hợp tác, liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đồng thời, tích cực tham gia vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa địa phương (39% chủ thể OCOP là nữ), từ đó, không chỉ giúp nhau thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu cho chính gia đình và phát triển kinh tế - xã hội.

Phụ nữ nông thôn sẵn sàng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo phương pháp an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn như an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ra cộng đồng, hạn chế các rủi ro trong nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Có rất nhiều phụ nữ là chủ doanh nghiệp và quản lý các mô hình kinh tế tập thể đã tiên phong ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong mọi khâu sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, tạo các chuỗi sản xuất sạch an toàn tiêu thụ trong nước và tạo  các sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng, an toàn ra thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo cho nông dân, trong đó có phụ nữ nông thôn. Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam thực hiện Chương trình 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020”.

Tính đến nay, cả nước đã có 1.644 chuỗi; 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 6.211 doanh nghiệp được chứng nhận; diện tích nuôi trồng thủy sản là 16.991 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. Cả nước có 5.343/8.267 xã (64,63%) đạt chuẩn nông thôn mới, bao gồm tiêu chí đảm bảo cơ sở sản xuất nông nghiệp ATTP. Các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 4.847 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt đã có 786 chuỗi liên kết từ 21 tỉnh, thành cung ứng cho thành phố Hà Nội với đa dạng các loại sản phẩm.

Cùng với đó, ngành NN-PTNT địa phương đã sản xuất, phát hành hơn 360.000 sản phẩm truyền thông như phóng sự, tin bài trên đài truyền hình, đài phát thanh, báo; gần 8 triệu sản phẩm truyền thông như băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, tờ rơi, tờ dán tài liệu... tuyên truyền, phổ biến quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Với thực tế triển khai, nhiều mô hình hiệu quả, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ ở các địa phương. Điển hình như mô hình “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bình Phước...; Mô hình truyền thông “Chiếc thớt an toàn thực phẩm” tại Bình Dương, HTX nông nghiệp Từ Tâm (Bắc Giang), HTX tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ (Nghệ An), HTX 3T Nông sản Cao Phong (Hòa Bình;, Mô hình kinh doanh an toàn của Phụ nữ chợ Đông Ba (Huế); Mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn tại HTX rau an toàn Ba Chữ (Hà Nội); Mô hình Trang trại Rau hữu cơ Cuối Quý tại Đan Phượng (Hà Nội), công ty An Hòa, liên kết các hộ nông dân trồng rau tại Hà Nội, chủ yếu là tập hợp các chị em phụ nữ trồng rau an toàn cho các chuỗi siêu thị tại Hà Nôi...

Vai trò của phụ nữ nông nghiệp nông thôn rất quan trọng, Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn  vai trò, tiềm năng của phụ nữ nông thôn trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định như: năng lực trình độ sản xuất nông sản, áp dụng công nghệ  cao của một số phụ nữ nông thôn còn hạn chế; chị em gặp nhiều thách thức trong tiếp cận đất đai, vốn ngân hàng hay các nguồn lực khác; việc hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở các địa phương chưa thành hệ thống; cơ sở hạ tầng, thông tin để hỗ trợ chị em tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử chưa đầy đủ…

Trên cơ sở những khó khăn, hạn chế còn tồn tại đó, trong giai đoạn tới đây, nhằm thúc đẩy vai trò của Hội và hội viên phụ nữ trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn, cần thực hiện một số giải pháp sau:

          Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ NN&PTNT và Hội LHPN Việt Nam ở Trung ương và các địa phương, xây dựng và thực hiện các thể chế chính sách đặc thù, các chương trình 5 năm và từng năm; đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ áp dụng số hoá trong nông nghiệp, xây dựng các mô hình nông nghiệp có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, chứng nhận an toàn dịch bệnh… có truy xuất nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; gắn với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

          Hai là, đổi mới phương pháp, phối hợp xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các hội thi nội dung phụ nữ với toàn thực phẩm. Xây dựng các kênh truyền hình tương tác về an toàn thực phẩm và kinh tế tuần hoàn gắn thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và thực phẩm an toàn, chương trình khuyến nông và đào tạo nghề lao động nông thôn, chú trọng phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân cả nước trong tuyên truyền, cam kết thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo VSATTP và giám sát việc xử lý của các cơ quan chức năng theo phương châm “mỗi phụ nữ là một giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng VSATTP, chung tay bảo đảm ATTP, vì sức khỏe phụ nữ, trẻ em và cộng đồng”.

Ba là, nâng cao năng lực làm chủ của phụ nữ nông thôn trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng; tạo điều kiện để chị em phụ nữ tiếp cận hiệu quả các nguồn lực như vốn (từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, một số ngân hàng thương mại khác) và tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất và thu nhập; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ chị em tham gia vào các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ sinh học, tự động hóa; đặc biệt, thúc đẩy tham gia vào các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển năng lực, trình độ của chị em tham gia vào nền kinh tế số. Ngoài ra, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn khoa học và công nghệ tại địa phương, tư vấn sản xuất kinh doanh, pháp luật.

Bốn là, xây dựng được các mô hình chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn của Hội phụ nữ và ngành nông nghiệp các cấp; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia; kết nối sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp sản phẩm có đầu ra ổn định thông qua hệ thống siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Năm là, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương bằng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn, tạo thêm việc làm phi nông nghiệp cho phụ nữ, tao điều kiện tăng thu nhập cho gia đình bằng các nguồn thu ngoài nông nghiệp, giảm bớt gánh nặng và sự lo toan về kinh tế của phụ nữ nông nghiệp nông thôn.   

Để phát huy hiệu quả vai trò của phụ nữ nông thôn trong sản xuất kinh doanh nông sản và thực phẩm an toàn, cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có Bộ NN&PTNT, Hội LHPN Việt Nam cùng các địa phương.  Nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng, xã hội và tiếp cận thực phẩm an toàn là góp phần thực hiện được các mục tiêu Thiên niên kỷ tại Việt Nam và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

TS. Hạ Thúy Hạnh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Nguồn: http://www.khuyennongvn.gov.vn/hoat-dong-khuyen-nong/thong-tin-huan-luyen/phat-huy-vai-tro-tiem-nang-cua-phu-nu-nong-thon-viet-nam-trong-sxkd-nong-san-va-thuc-pham-an-toan_t114c31n21721