Hàng loạt cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh chết. Ảnh: T.T |
Ngày 6.6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, đã cùng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra 3,2ha sâm tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông phát hiện tỷ lệ cây bị bệnh 30%.
Triệu chứng điển hình của cây sâm là vết đốm hoặc chấm dạng nhúng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá, xuất hiện chủ yếu ở cây sâm 1 năm tuổi. Vết bệnh lan dần vào làm cho lá bị thối nhũn và gục xuống. Bệnh lan dần vào phần thân, đa số cây có bộ rễ chưa bị thối.
Nguyên nhân gây bệnh do các loại nấm gây ra. Trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Đa phần các vườn không có lưới che, nên khi cây sâm còn nhỏ gặp mưa lớn tạo vết thương và qua đó nấm bệnh xâm nhập.
Cũng trong tháng 5.2022 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra 17.000 cây sâm Ngọc Linh tại các hộ dân của xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, phát hiện 2.200 cây bị bệnh và đã chết; 11.300 cây bị nhiễm bệnh với tỷ lệ khoảng 35-40%, khoảng 3.500 cây sinh trưởng, phát triển bình thường, ít bị bệnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cùng với huyện Tu Mơ Rông hướng dẫn các biện pháp quản lý sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh cho người dân và từng bước kiểm soát dịch bệnh.
Được biết, cây giống sâm Ngọc Linh có giá trị cao trên thị trường, được bán với giá trung bình từ 200.000 – 300.000/cây giống. Việc cây sâm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người dân miền núi đời sống còn khó khăn.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)