|
  • :
  • :

Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với tiêu thụ nông sản còn hạn chế

Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 làm gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phát huy được vai trò nền tảng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng ngành Công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

 
 
Sầu riêng Lâm Đồng mặc dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng đầu ra vẫn còn khá bấp bênh
Sầu riêng Lâm Đồng mặc dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng đầu ra vẫn còn khá bấp bênh
 
Theo số liệu thống kê, ngành Nông lâm thủy của tỉnh hiện chiếm khoảng 41,0% cơ cấu kinh tế; tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 4,5%; giá trị tổng sản phẩm khoảng 18.816 tỷ đồng; giá trị sản xuất trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm; cao hơn mức trung bình của cả nước 1, 84 lần. Tính đến hết năm 2021, diện tích canh tác của tỉnh đạt khoảng 300.000 ha, diện tích gieo trồng đạt gần 390.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, gần 300 ngàn tấn cà phê, 175 ngàn tấn chè, hơn 250 ngàn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.
 
Những năm qua, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được tỉnh ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn lực. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp phát triển cả chiều rộng và chiều sâu đến cả tận các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh và tạo ra chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 63.370 ha, chiếm 21% diện tích canh tác, chiếm trên 40% giá trị sản xuất ngành Trồng trọt. Toàn tỉnh có nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm; năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần so với cả nước.
 
Phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, trong thời gian qua, tỉnh đã có các chủ trương, chính sách phát triển các hình thức liên kết trong nông nghiệp nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 182 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, với 18.386 hộ liên kết, sản lượng đạt trên 519.500 tấn nông sản, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng.
 
Để nâng cao giá trị nông sản, việc phát triển công nghiệp chế biến được tỉnh xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 65%, ngành Công nghiệp chế biến nông sản, chiếm khoảng 47% giá trị sản xuất ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp. Bên cạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu. 
 
Số liệu của tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt bình quân 13%/năm, chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đạt 300 triệu USD/năm, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trực tiếp toàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện, vùng sản xuất nông sản hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu của tỉnh vẫn còn phân tán, quy mô nhỏ, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận chiếm tỷ lệ thấp dẫn đến chưa đáp ứng đồng thời, về sản lượng và chất lượng cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Năng lực sản xuất nông nghiệp mặc dù ngày càng có nhiều cải thiện, tuy nhiên sản xuất nhìn chung vẫn phụ thuộc vào kinh tế hộ nhỏ lẻ. Xét về số lượng hợp tác xã có nhiều nhưng số hoạt động hiệu quả còn thấp . Chuỗi liên kết có tăng về số lượng nhưng quy mô nhỏ, chậm phát triển, thiếu bền vững, sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi thấp, chỉ mới khoảng 12 % sản lượng nông sản. Tỷ lệ sơ chế, chế biến đối với một số mặt hàng chủ lực của tỉnh cũng còn thấp (60% - 65%); tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lại cao (15% - 17%). 
 
Thực tế thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh diễn ra vẫn còn chậm, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và dịch vụ logistics, vì vậy mà chưa tạo được bước đột phá trong việc mở rộng, tăng sản lượng/giá trị của nông sản trên thị trường xuất khẩu và làm cầu nối quan trọng để nông sản Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững. Bên cạnh đó, công tác phân tích thông tin và dự báo thị trường nông sản vẫn còn nhiều hạn chế; hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích, giám sát nguồn cung các ngành hàng nông sản còn thiếu, chưa có hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro thị trường.
 
Thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản cũng chưa thật sự ổn định và thường bị động trước sự biến động của cả thị trường trong nước và xuất khẩu, chính vì vậy mà vẫn còn thường xuyên xảy ra mất cân đối cục bộ cung - cầu. Trong khi thị trường trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh của hàng nhập khẩu thì sản lượng, tỷ lệ nông sản xuất khẩu trong thời gian qua ở mức thấp, tăng chậm qua các năm, chỉ chiếm từ 10% - 20% sản lượng nông sản của tỉnh. 
 
Điều này cho thấy, việc kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới cần phải được xem là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, quan trọng để nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/san-xuat-nong-nghiep-cong-nghiep-che-bien-gan-voi-tieu-thu-nong-san-con-han-che-3105067/