|
  • :
  • :

Tăng cường lực lượng giảng viên quản lý, chăm sóc cây trồng

Chương trình IPM do Bộ NN&PTNT quản lý, trong đó Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) là đơn vị chỉ đạo thực hiện. Năm 1994, Bộ NN&PTNT đã thành lập BCĐ Chương trình IPM quốc gia với đại diện của 9 bộ, ngành, tổ chức xã hội có liên quan. Mục đích chính của Chương trình IPM là nâng cao khả năng ra quyết định của nông dân, thông qua việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho họ để đảm bảo sản xuất có hiệu quả trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường

Khi nâng cao nhận thức quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, người sản xuất sẽ cho ra các sản phẩm trồng trọt an toàn và có chất lượng cao. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ năm 1992 đến nay, cả nước có 2.670 cán bộ được đào tạo qua các lớp đào tạo giảng viên IPM (TOT) do FAO, các tỉnh và các đơn vị khác tổ chức. Trong đó, cán bộ được FAO và Cục BVTV phối hợp đào tạo khoảng 1.200 người, hiện đã nghỉ hưu và chuyển sang làm công tác khác gần 900 người; đội ngũ giảng viên TOT đã bị thiếu hụt nhiều. Trong năm 2020, Cục BVTV đã 2 lớp đào tạo giảng viên TOT-IPM bổ sung phần nào sự thiếu hụt này.

Tháng 6/2021, Cục BVTV và đại diện FAO tại Việt Nam triển khai dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp", thực hiện trong 2 năm (2021-2022). 

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật. Các hoạt động của dự án tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Qua đó nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (NP-IPHM); tổ chức thí điểm 2 lớp TOT-IPHM ở phía bắc và phía nam để đào tạo 60 giảng viên quốc gia để đánh giá chương trình và tài liệu, từ đó củng cố, hoàn thiện chương trình, tài liệu IPHM.

Đến nay, dự án đã nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên IPHM; xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (dự thảo cùng báo cáo nghiên cứu của dự án); phối hợp với Văn phòng FAO tại Việt Nam tổ chức lớp đào tạo lớp giảng viên nguồn TOT-IPHM, tổ chức hội thảo xây dựng khung chương trình và tài liệu cho các lớp TOT-IPHM.

Cục Bảo vệ thực vật và FAO cũng đã có ý kiến đóng góp bổ sung “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” vào dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTG về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với nhiệm vụ đào tạo của dự án, ngày 10/2, Cục BVTV khai giảng lớp TOT-IPHM đào tạo 30 giảng viên quốc gia cho các tỉnh phía bắc và chuẩn bị tổ chức lớp TOT-IPHM đào tạo 30 giảng viên quốc gia cho các tỉnh phía nam vào tháng 4 tới. Thông qua 2 khóa đào tạo này, các học viên sẽ được củng cố, cập nhật các kiến thức mới trong IPHM; kỹ năng huấn luyện nông dân thông qua các buổi học và các thực nghiệm đồng ruộng thực tiễn, tổ chức các lớp FFS để phát triển IPHM thành công ở địa phương theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bộ đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/tang-cuong-luc-luong-giang-vien-quan-ly-cham-soc-cay-trong.ngn