UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy tại 4 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ gần 23.000 con gia cầm; 40 tỉnh, thành phố xảy ra 481 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi làm chết và tiêu huỷ trên 16.000 con heo; 62 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 4 tỉnh với tổng số 699 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó, có 96 con chết phải tiêu huỷ và 1 ổ dịch bệnh lở mồm long móng.
Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành tỉnh và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Nhờ vậy, đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật nuôi được kiểm soát tốt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 20 ổ dịch tả heo châu Phi, hiện chỉ còn xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) chưa qua 21 ngày. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở phạm vi rộng là rất lớn, vì các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng, có loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, mật độ đàn vật nuôi tăng cao, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với chăn nuôi tập trung; tình hình thời tiết biến động bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19.
Thời gian thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tình là từ ngày 15.3 đến ngày 15.4.2022.
Để chủ động kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên diện rộng. Đồng thời, ngăn ngừa bệnh lây truyền từ động vật nuôi sang cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi. Ngày 14.3, UBND tỉnh có Công văn số 874/UBND-KT về việc triển khai thực hiện kế hoạch “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh". Thời gian thực hiện, từ ngày 15.3 đến ngày 15.4.2022.
Sở Y tế chủ động triển khai các hoạt động giám sát cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ người mắc bệnh do lây nhiễm từ động vật để cách ly, điều trị, khoanh vùng xử lý triệt để, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc- nhất là kinh phí mua hoá chất tiêu diệt các loại véc tơ truyền bệnh, đặc biệt là véc tơ truyền bệnh viêm da nổi cục.
Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc tiêu độc khử trùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của địa phương; bố trí nguồn lực, phương tiện, tổ chức rà soát, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát hiện ở phạm vi hẹp; báo cáo dịch bệnh kịp thời.
Các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội làm tổng vệ sinh nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; phân phát thuốc khử trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, phun khử trùng chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch.
Các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm tập trung tự lo vật tư, kinh phí thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng.
Các địa phương khu vực biên giới phối hợp ban quản lý cửa khẩu thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu, tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm tập trung tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.
Minh Dương