Mùa “mía ngọt”
Năm 2021, thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài đúng vào giai đoạn cây mía cần nước nhất để vươn lóng, phát triển sinh khối. Để đảm bảo năng suất, chất lượng mía trong vùng nguyên liệu phục vụ cho vụ ép 2021-2022, TTC Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp canh tác kết hợp cùng chính sách đầu tư đúng mức. Đồng thời, khuyến khích người trồng mía áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: tưới tiết kiệm nước, phun chế phẩm sinh học kích thích cây sinh trưởng phát triển tốt.
Cùng với đó, TTC Gia Lai cho trồng thử nghiệm và nhân rộng các giống mía mới năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch, triển khai trồng mía mới bằng cách múc rãnh ở các vùng đất xấu, đồi dốc, nhiều đá... Cách vận dụng linh hoạt quy trình canh tác phù hợp với đặc thù từng vùng đất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh và các địa phương lân cận.
|
Vùng nguyên liệu mía của TTC Gia Lai trong vụ thu hoạch 2021-2022 (ảnh TTC Gia Lai). |
Theo TTC Gia Lai, vụ thu hoạch 2021-2022, năng suất mía toàn vùng đạt trung bình 70 tấn/ha, một số nơi năng suất đạt 100-120 tấn/ha. Năm nay, giá đường trên thị trường tăng so với những năm trước nên giá thu mua mía nguyên liệu của đơn vị tăng cao, dao động 1.166.000-1.280.000 đồng/tấn mía đạt 10CCS (bao gồm trợ giá đầu tư) tại bàn cân nhà máy. Nhờ đó, người trồng mía thu về lợi nhuận 35-50 triệu đồng/ha. Đặc biệt, kết thúc vụ ép 2021-2022, TTC Gia Lai đã chi 20 tỷ đồng cho những khách hàng hoàn thành hợp đồng và hợp tác tốt với Công ty.
Ông Đinh Văn Tạ (buôn Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) chia sẻ: Năm nay, người trồng mía được TTC Gia Lai hướng dẫn áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng mới bằng phương pháp múc rãnh sâu trên 40 cm để giữ ẩm, lấp gốc mía sâu để lưu gốc. Tôi đã áp dụng trồng hơn 10 ha cho năng suất khá cao, bình quân cả mía tơ và gốc đạt trên 100 tấn/ha. Với 40 ha mía, gia đình tôi lãi gần 2 tỷ đồng.
“Chúng tôi tin tưởng vào những giải pháp kỹ thuật canh tác mà TTC Gia Lai đưa ra. Mặt khác, Công ty đã cam kết thu mua theo giá bảo hiểm trong 3 niên vụ tới, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích. Riêng gia đình tôi đã trồng thêm 15 ha, nâng tổng diện tích mía trong vụ thu hoạch 2022-2023 lên 55 ha”-ông Tạ nói.
Khôi phục vùng nguyên liệu
Vụ ép 2021-2022 của TTC Gia Lai đã kết thúc vào ngày 16-4-2022 với sản lượng mía ép đạt gần 600.000 tấn. Công ty đề ra kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 11.500 ha để phục vụ cho vụ ép 2022-2023. Có thể thấy, cây mía ở vùng Đông Nam tỉnh đang trên đà phục hồi. Cùng với những dự báo về giá mía đường ổn định trong 3 năm tới, đây sẽ là bước tạo đà cho các địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp, đưa cây mía trở lại vị thế cây trồng chủ lực như những năm trước.
|
Bón phân vi sinh cải tạo đất cho cây mía (ảnh TTC Gia Lai). |
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTC Gia Lai-cho biết: Với sứ mệnh đồng hành cùng người trồng mía, TTC Gia Lai không ngừng nghiên cứu, cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác để giúp bà con nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Song song với các chính sách thu mua thì việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu luôn được quan tâm để người trồng mía mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như vụ 2020-2021 (thu hoạch năm 2021-2022), Công ty đã dành trên 10 tỷ đồng hỗ trợ người trồng mía cày ngầm, bón phân vi sinh/bã bùn cải tạo đất, đầu tư giống, tưới, nâng cấp giao thông nội đồng, quản lý thu hoạch. “Thời gian tới, Công ty tiếp tục áp dụng công nghệ vào quản lý vùng nguyên liệu, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc khách hàng để bắt kịp với nền nông nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương khu vực Đông Nam Gia Lai”-bà Lan thông tin thêm.
Với những định hướng chiến lược rõ ràng cùng các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững, TTC Gia Lai tự tin mở rộng vùng nguyên liệu và triển khai nâng công suất ép của nhà máy từ 6.000 tấn lên 8.000 tấn mía/ngày. Đây được kỳ vọng là bước chuyển mình mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn bởi Hiệp định Atiga, giúp cây mía phục hồi, đem lại nhiều vụ “mía ngọt”, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam tỉnh nói riêng và cả tỉnh nói chung.
NGUYỄN LÊ