Một cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.
Theo Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 bình quân 16,3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 28,3% vào năm 2025.
Cụ thể: phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn đạt tối thiểu 550.000 con heo, 20.000 con bò sữa, 105.000 con bò thịt, 10.000.000 con gà (gà thịt 7.000.000 con, gà đẻ 3.000.000 con), 1.000 nhà yến (sản lượng 6 tấn tổ yến).
Trong đó, đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp 2 chuỗi giá trị đã hình thành: chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống, mục tiêu đến năm 2025 chiếm 55% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 45%); chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn, mục tiêu đến năm 2025 chiếm 15% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 10%).
Bên cạnh đó, hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu; mục tiêu đến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay chưa có).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, tỉnh mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành: chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh); mục tiêu đến năm 2025 chiếm 50% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 44,6%). Và chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm; mục tiêu đến năm 2025 chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 7,4%).
Chăn nuôi gà an toàn sinh học.
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy ngoài địa bàn tỉnh chiếm 50%, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa được chế biến trên địa bàn tỉnh).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành, xây dựng các chuỗi giá trị mới. Mục tiêu đến năm 2025, có 50% gà thịt được giết mổ theo chuỗi tại địa bàn tỉnh (hiện nay là 25%).
Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng, sẽ ổn định các chuỗi giá trị đã hình thành; mục tiêu đến năm 2025 sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi chiếm 90% sản lượng trứng gà của tỉnh (hiện nay là 88%).
Đối với chuỗi giá trị chim yến, thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2025; nâng tỷ lệ chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 30% vào năm 2025.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai thực hiện giải pháp cơ chế, chính sách về đất đai, trong đó, rà soát, đồng bộ các quy hoạch theo ngành, theo địa phương để bảo đảm diện tích đất sạch, đất liền ranh, liền thửa để mời gọi đầu tư, sản xuất; tập trung phát triển vùng nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, ưu tiên cho thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung công nghệ cao theo chuỗi giá trị, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến.
Công nhân Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, sơ chế trứng gà xuất khẩu (Ảnh: Minh Dương)
Thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn như: Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 7.2.2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh...
Mời gọi đầu tư các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị, trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống gốc; lĩnh vực giết mổ, chế biến thịt, chế biến sữa…
Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến trong việc thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp về cải thiện môi trường đầu tư; đơn giản hoá đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về kỹ thuật – công nghệ như nâng cao năng suất, chất lượng giống gia súc, gia cầm; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện công tác khuyến nông; phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trúc Ly