|
  • :
  • :

Tư duy đổi mới của nông dân

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và Quyết định số 899 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã có những chuyển biến rõ rệt. Sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, các vùng sản xuất chính tiếp tục ổn định và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng khu vực, góp phần tạo nên lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu. Kết quả đạt được đó, bên cạnh những chính sách, chỉ đạo đúng đắn của các cấp, ngành, thì người nông dân đóng vai trò là trung tâm, là chủ thể góp phần lớn vào sự thay đổi ấy.

 
 
Thu hoạch lúa bằng máy ở Cát Tiên
Thu hoạch lúa bằng máy ở Cát Tiên
 
Phải khẳng định rằng, nông dân ở thành thị hay nông thôn bây giờ đều đã thay đổi rất nhiều về cả tư duy lẫn trình độ. Họ nắm khá chắc khoa học công nghệ liên quan đến ngành nông nghiệp, có tư duy đổi mới, không còn tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Minh chứng rõ ràng nhất đó là thời gian qua không chỉ ở thành phố hay vùng trung tâm phố huyện, mà cả ở vùng nông thôn ngày xưa vốn nghèo nàn, lạc hậu thì nay ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu của tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm. Nhiều nông dân và hộ gia đình đã mạnh dạn vay mượn ngân hàng để đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành những người thành đạt trong xã hội và trở thành những nhân tố, tấm gương làm giàu điển hình được bà con học hỏi, nhân rộng. Hầu hết nông dân bây giờ nhìn nhận ngành nông nghiệp không chỉ đơn thuần là ngành sản xuất vật chất mà là kinh doanh nông nghiệp, và họ đặt nhu cầu thị trường làm mục tiêu cho đầu tư sản xuất. 
 
Cũng phải kể đến vai trò hỗ trợ, hoạch định đúng hướng của các cấp, ngành và việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như những bước đi nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Đơn cử như để phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, có rất nhiều các chương trình, đề án, dự án,... đã được ban hành và các địa phương tổ chức triển khai. Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đó, tính đến hết năm 2020, Lâm Đồng có 329 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với khoảng 8.000 thành viên. Toàn tỉnh hiện có 300 tổ hợp tác (THT) với 6.881 tổ viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các THT hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất sản phẩm, tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản; hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện còn có 942 trang trại, trong đó có 374 trang trại trồng trọt; 524 trang trại chăn nuôi; 2 trang trại thủy sản; 42 trang trại tổng hợp.
 
Công nghệ chế biến nông sản cũng được tỉnh quan tâm thúc đẩy phát triển, hình thành các mô hình trung tâm sau thu hoạch và chính từ đó mà nhận thức của người dân, tiểu thương Lâm Đồng cũng dần thay đổi. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm khoảng 10-15%. Toàn tỉnh có 76 doanh nghiệp chế biến và 844 cơ sở thu gom sơ chế rau, quả với tỷ lệ qua sơ chế, chế biến trên 65% tổng sản lượng; có 33 doanh nghiệp và trên 250 cơ sở sơ chế cà phê nhân với công suất khoảng 300.000 - 320.000 tấn (đáp ứng khoảng 80 - 90% sản lượng cà phê toàn tỉnh); có 192 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê tinh với sản lượng khoảng 6.028 tấn/năm; có 155 công ty và 90 cơ sở chế biến chè đáp ứng nhu cầu chế biến chè trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 175 chuỗi liên kết, với 16.762 hộ liên kết, diện tích 24.448 ha và tổng đàn vật nuôi 850.777 con, sản lượng 493.296 tấn. 
 
Để mở rộng và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, nông dân Lâm Đồng cũng đã bắt đầu chú trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản an toàn để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, truy xuất và xử lý khắc phục đối với các mặt hàng nông sản không đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận hàng năm tăng; có khoảng 10% diện tích rau, 3,75% diện tích chè, 0,8% diện tích cây ăn quả được cấp VietGAP; 43% diện tích cà phê đạt chứng nhận UTZ, 4C; 2 cơ sở chăn nuôi bò sữa và 770 hộ chăn nuôi lợn được cấp VietGAHP; diện tích các nông sản còn lại cơ bản đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Đặc biệt là từ khi tỉnh phát động xây dựng và hình thành thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch nông nghiệp; người nông dân cũng đã nhiệt tình quan tâm, đầu tư triển khai, hiện đã có 24 nhãn hiệu trên các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, thông qua đó góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản của tỉnh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai từ năm 2018 đến nay có tác động nhất định đến nhận thức của người sản xuất và nâng cao thương hiệu sản phẩm, đến nay có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 65 sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 3 sao và 7 sản phẩm được xếp loại 5 sao, Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 sản phẩm OCOP quốc gia.
 
Những năm qua, tỷ trọng xuất khẩu nông sản luôn đứng đầu trong cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của tỉnh, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 329,8 triệu USD, chiếm 46% tổng kim ngạch toàn tỉnh. Điều này một lần nữa minh chứng cho sự đổi mới toàn diện của nông nghiệp Lâm Đồng, trong thành tựu đó đánh dấu sự thay đổi sâu sắc và mạnh mẽ về tư duy của người nông dân khắp nơi trong tỉnh. 
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/tu-duy-doi-moi-cua-nong-dan-3074919/