Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng
Thời gian qua, dư luận thế giới đánh giá khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng.
Trong báo cáo tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024. Các số liệu nói trên giảm so với dự báo hồi tháng 4/2023, lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do sự suy yếu nhu cầu bên ngoài. Tuy nhiên, theo ADB, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những "người hùng" trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Song WB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ chỉ khoảng 4,7%, thấp hơn so với bình thường do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. GDP của Việt Nam dự kiến có thể tăng trưởng ở mức 5,5% vào năm 2024, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhiều cải cách hơn nữa.
WB đánh giá, kinh tế Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ các cuộc cải cách đã được thực hiện, nhưng sẽ còn đạt được những tiến bộ nếu cải cách hơn lĩnh vực đầu tư công, cơ chế phối kết hợp quản lý đầu tư công, đồng thời, tiếp tục cải cách khu vực dịch vụ. Không chỉ tăng năng suất trong lĩnh vực dịch vụ, mà còn các ngành khác của nền kinh tế.
Ngôi sao mới nổi lên trên thị trường toàn cầu
Khi nhìn nhận Việt Nam là nhân tố then chốt trong việc tái định hướng chuỗi cung ứng trên toàn thế giới nhờ một số lợi thế so sánh, trang Immago - website chuyên về các giải pháp nâng cao thương hiệu, cho rằng Việt Nam đạt được thành công một phần nhờ chiến lược phát triển tập trung vào việc sử dụng hệ thống thuế ưu đãi và thành lập các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư.
Kinh tế vĩ mô - Việt Nam có tiềm năng trở thành công xưởng mới của thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam là một trong những "người hùng" trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Tính đến tháng 12.2022, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bất nhất là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc (gần 2.500 dự án), Nhật Bản (hơn 1.500 dự án), Singapore (gần 450 dự án).
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư lớn, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển, với cách tiếp cận xanh hơn, cân bằng hơn để tăng trưởng và bền vững hơn.
Sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu là điều không thể chối cãi, theo Immago. Các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Indonesia cũng đang nhận ra cơ hội và để mắt đến "miếng bánh" này. Mặc dù Việt Nam có thể không phải là công xưởng duy nhất của thế giới, nhưng chắc chắn Việt Nam nổi lên như một ngôi sao đang lên trên thị trường toàn cầu.
Việt Nam sắp đón dòng vốn “khủng” từ Mỹ và EU
Nếu như 10 năm trước, dòng tiền đến từ Nhật, Hàn, Singapore, Trung Quốc… dồn dập vào Việt Nam, thì trong thập kỷ mới dòng vốn lớn có thể sẽ đến từ châu Âu và Mỹ. Giá trị xuất khẩu 1.000 tỷ USD của Việt Nam cũng đã được đề cập tới.
Riêng Nhật và Hàn, cho đến nay số vốn FDI vào Việt Nam lên tới hơn 150 tỷ USD. Vốn FDI từ Mỹ và châu Âu trong tương lai có thể lớn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, dòng vốn trên thị trường tài chính cũng sẽ rất sôi động khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, có thể ngay trong năm 2024. Hệ thống giao dịch mới KRX (dựa trên công nghệ Hàn Quốc) với công suất lớn hơn và nhiều sản phẩm hơn được đưa vào từ cuối năm 2023. Thay vì những thương vụ vài trăm triệu có thể sẽ là một vài tỷ USD vào các doanh nghiệp trong nước.
Trong báo cáo gần đây của VinaCapital, sự kiện Việt Nam và Mỹ ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (CPS) sau chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh dấu cột mốc lịch sử cho quan hệ ngoại giao song phương giữa hai quốc gia.
Theo đó, CPS tạo ra khuôn khổ cho sự hợp tác và cộng tác hơn nữa giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, khoa học đầu tư, công nghệ, kỹ thuật số, giáo dục, năng lượng…
Trên thực tế, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Không chỉ Intel, Apple… mà nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu khác cũng đã tìm kiếm và mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất ở nhiều khu vực mới, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao đang lên trên thị trường toàn cầu.
Đi cùng với các "đại bàng", nhiều tập đoàn khác cũng có xu hướng dịch chuyển theo như Foxconn, Pegatron…
Còn với EU, trong nhiều năm qua, các nước khu vực này có kinh tế phụ thuộc nhiều vào Nga và Trung Quốc, từ khí đốt và năng lượng cho tới nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sự tổn thương đối với các nước châu Âu khi căng thẳng địa chính trị lên cao gần đây có thể khiến EU có những tính toán dài hơi hơn cho tương lai.
Gần đây, những chuyên gia hàng đầu trên thế giới cho rằng, căng thẳng địa chính trị hiện là kẻ thù số một của kinh tế toàn cầu, chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ. Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Harvard Kennedy Dani Rodrik cũng đã đưa ra nhận định như vậy trên trang Project Syndicate.
Địa chính trị gần đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể dẫn đến sự lao dốc của một thị trường, hay dẫn tới sự đảo ngược dòng vốn, cũng như những cuộc khủng hoảng tài chính, thanh khoản…
Dòng vốn từ Mỹ và EU có thể chảy vào một số nền kinh tế đang nổi lên. Dòng vốn từ Nhật, Hàn… cũng sẽ tiếp tục tìm các bến đỗ an toàn.
Với EU, Việt Nam có hiệp định tự do thương mại EVFTA, cùng với CPS Việt-Mỹ sẽ là động lực giúp các tập đoàn EU đẩy mạnh dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế và dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ.
Trong một báo cáo mới đây của HSBC, tổ chức này cho rằng, bất chấp triển vọng ngắn hạn ảm đạm trong lĩnh vực thương mại, ASEAN vẫn tiếp tục thu hút FDI, đạt thị phần toàn cầu kỷ lục gần 17%.
Cũng theo HSBC, nhiều khoản đầu tư đã được đổ vào chuỗi cung ứng công nghệ và xe điện đang phát triển trong khu vực cũng như hoạt động tài chính. Ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư FDI vào các ngành sản xuất và phân ngành đa dạng hóa của ASEAN. Việt Nam, trong khi đó, là điểm sáng ở khu vực.
Theo Tổng Cục thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay. Vốn đăng ký đạt hơn 202 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận xét về những yếu tố tích cực ở 3 tháng cuối năm, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức, người lao động và những đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước kể từ ngày 1/7 năm nay đã và đang giúp người dân tăng chi tiêu, tạo dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
Các chính sách giảm thuế, phí; gia hạn thuế, tiền thuế đất; giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh không chỉ kích cầu sản xuất, đầu tư, mà còn kích cầu tiêu dùng, qua đó tác động trở lại đối với hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.
Du lịch - ngành kinh tế có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... - là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chỉ cần đón thêm khoảng một triệu lượt khách du lịch quốc tế, thì năm nay, chúng ta đạt 150% mục tiêu đặt ra.
Nguồn nguoiduatin