|
  • :
  • :

Xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như hướng đến xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi, hiện ngành chuyên môn và nông dân trong tỉnh đang xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trái dừa đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Trái dừa đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Mới đây, việc Mỹ chính thức chấp thuận nhập khẩu trái dừa tươi của nước ta đã mang đến tín hiệu tích cực cho các địa phương trồng dừa. Và khi Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm sẽ càng rộng đường xuất khẩu hơn.

Đây là điều kiện để dừa có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Theo đó, thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác dừa theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ...

Tại Vĩnh Long, không chỉ trồng xen canh, nhiều địa phương còn phát triển cây dừa theo hướng tập trung quy mô lớn.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã chọn 3 vùng trồng tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm với tổng diện tích hơn 34ha để xây dựng mã số vùng trồng cũng như đủ điều kiện xuất khẩu trái dừa tươi. Đây là bước tiến quan trọng đối với ngành trồng dừa ở tỉnh, tạo nền tảng để nâng cao giá trị trái dừa cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cây dừa là một trong những cây trồng được huyện lựa chọn phát triển trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại địa phương giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, địa phương có diện tích dừa lớn nhất của tỉnh với hơn 5.100ha. Trong đó, diện tích dừa ta chiếm 45%, dừa dâu 30%, dừa xiêm 23% và các giống dừa khác 2%.

Tuy nhiên, dừa trồng ở huyện Vũng Liêm phần lớn là lấy trái khô để thu cơm dừa, chỉ khoảng 10% là dừa để bán trái tươi. Mặt khác, thị trường tiêu thụ dừa hiện nay chưa được ổn định, chủ yếu bán qua thương lái và cung cấp đi các tỉnh Trà Vinh và Bến Tre do chưa có doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ ổn định. Trước tình trạng đó, để có đầu ra bền vững, nhiều nông dân đã chủ động canh tác dừa theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Có vườn dừa 8 công được Chi cục Trồng trọt-BVTV xây dựng vườn dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chú Huỳnh Công Thành (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Trước đây giá dừa bấp bênh do tiêu thụ trong nước và phụ thuộc vào thương lái, nên tôi phải tìm cách vượt qua khó khăn để đáp ứng yêu cầu từ nước nhập khẩu. Hơn 1 tháng nay, tôi tích cực phối hợp với ngành chuyên môn chăm sóc vườn dừa theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn. Tôi tin rằng khi được cấp mã số vùng trồng giá dừa sẽ cao hơn giá bên ngoài mô hình”.

Anh Lê Văn Thanh (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cũng chia sẻ: Khi tham gia thực hiện xây dựng mã số vùng trồng cho cây dừa, nông dân rất phấn khởi và kỳ vọng khi cấp được mã số vùng trồng thì giá trái dừa ổn định, lâu dài, từ đó tập trung đầu tư nhiều hơn để phát triển vườn dừa đạt chất lượng tốt hơn.

Ngoài chọn 3 vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ 1 doanh nghiệp các thủ tục để xây dựng mã số cơ sở đóng gói trái dừa tươi xuất khẩu. Mới đây, Cục BVTV (thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT) và Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh Vĩnh Long phối hợp với nước nhập khẩu đã kiểm tra thực địa các vùng trồng và cơ sở đóng gói này.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: Tỉnh có hơn 10.000ha diện tích trồng dừa nên khả năng xây dựng mã số vùng trồng rất lớn. Qua đợt kiểm tra thực địa tại tỉnh sẽ rút được kinh nghiệm những nhu cầu về phía Trung Quốc, sau đó giữa Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư thì sẽ có bộ tiêu chuẩn cụ thể hơn, tiếp tục sẽ mở rộng mã số vùng trồng trên cây dừa để vừa nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như tiêu thụ ổn định ngành hàng này.

Với sự nỗ lực của người nông dân và những hỗ trợ của ngành chuyên môn, trái dừa Vĩnh Long sẽ sớm vươn xa thị trường quốc tế, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị loại nông sản này cũng như mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người trồng dừa.

Việt Nam đang đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với kim ngạch khoảng 900 triệu USD. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích trồng dừa đã hơn 130.000ha.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202309/xay-dung-vuon-dua-dat-tieu-chuan-xuat-khau-3175731/