|
  • :
  • :

Xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, Pakistan: Dễ mà khó

Dù không đòi hỏi chất lượng cao nhưng sự khác biệt về văn hoá kinh doanh, văn hoá tiêu dùng, khó khăn trong vận chuyển, thậm chí cả yếu tố chính trị là những trở ngại không dễ vượt để trái thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Pakistan.

Tìm đường đưa thanh long sang Ấn Độ, Pakistan

Nỗ lực bắc cầu

Phát biểu tại Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021, do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/8, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục XTTM - cho hay: Thanh long là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam, cũng thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó. Việc xuất khẩu chủ yếu qua thị trường truyền thống Trung Quốc thời gian qua cũng cho thấy rất rõ nhiều bất cập, nhất là mỗi khi một số cửa khẩu đường bộ tạm ngưng thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tiệm cận với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Về thị trường Ấn Độ và Pakistan, lãnh đạo Cục XTTM nhận định: Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn nên khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Pakistan dù là thị trường nhỏ nhưng cũng có cơ hội cho xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam.

Xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, Pakistan: Dễ mà khó
Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021

Thanh long hiện đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020. Việc tiêu thụ thanh long đang là sức ép lớn đối với các địa phương, trong đó có Bình Thuận và Long An. “Thông qua hội nghị ngày hôm nay, tôi đặc biệt hy vọng, các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương trồng thanh long của Việt Nam sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về tình hình thị trường, nhu cầu, yêu cầu của thị trường tiêu dùng Ấn Độ và Pakistan, đồng thời tiếp cận, giới thiệu tới các đối tác Ấn Độ và Pakistan về tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm thanh long Việt Nam, kết nối các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng trong tương lai”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Bình Thuận, Long An là những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn và đang bước vào vụ thu hoạch. Trong đó, Bình Thuận tính đến tháng 6/2021, diện tích trồng thanh long là 33.750 ha, sản lượng năm nay dự kiến đạt 650.000 tấn quả; Long An cũng dự kiến đạt sản lượng 330.000 tấn quả/năm. Đại diện Sở Công Thương hai tỉnh này đều mong muốn Bộ Công Thương cùng các đơn vị trực thuộc hỗ trợ cho bà con nông dân, hợp tác xã trồng thanh long tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh đang khiến việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn.

Khẳng định hệ thống cơ quan ngoại giao cũng như thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn nỗ lực kết nối thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá trong đó có trái thanh long, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ - ông Phạm Sanh Châu - cho rằng: 5 năm qua, giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng rất cao, từ 26% năm 2015 lên 52% năm 2020. Chứng tỏ Ấn Độ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này. “Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái thanh long cũng như sản phẩm chế biến từ trái thanh long cho doanh nghiệp trong nước”, đại sứ Phạm Sanh Châu một lần nữa khẳng định.

Thị trường Pakistan, theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan chưa nhập khẩu trái cây tươi từ Việt Nam. Về trái thanh long, thương vụ đã mua thanh long Thái Lan nhập khẩu vào Pakistan làm tặng phẩm cho một số khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên ý kiến phản hồi sau đó không tích cực, thậm chí có một số ý kiến phản hồi tiêu cực về hình thức bề ngoài khác lạ của quả thanh long. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc cũng như có kế hoạch bài bản để có thể đưa thanh long Việt Nam sang Pakistan.

Khuyến cáo từ thương vụ

Bà Nguyễn Thị Việt Hà cũng khuyến cáo: Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động. Tuy nhiên, tình hình an ninh tại đất nước này khá phức tạp. Rào cản thương mại gồm phá giá đồng tiền quốc gia 50% làm cho giá bán lẻ hàng nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ. Cùng đó là rào cản từ tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) trong nông sản và thực phẩm, quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu.

Xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, Pakistan: Dễ mà khó
Xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, Pakistan thuận lợi song hành cùng thách thức

Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Tiên Phong - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan, do Việt Nam chưa xuất khẩu thanh long vào Pakistan nên chưa tạo được sự nhận diện và tạo cầu trên thị trường. Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu thói quen tiêu dùng để tiếp cận thị trường một cách phù hợp.

Về những thách thức tại thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - thông tin: Thách thức lớn nhất là giữ được thị trường. Ấn Độ có điều kiện địa lý tương đồng với Việt Nam, có vùng 300 ngày nắng/năm phù hợp với cây thanh long. Do vậy, rất khó để doanh nghiệp Việt Nam giữ được thị phần khi Ấn Độ trồng và phát triển được cây thanh long. Cùng đó, sự đoàn kết của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải rất chặt chẽ để giữ uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường .

Ông Bùi Trung Thướng cũng cho rằng: Thị trường Ấn Độ sau dịch bệnh sẽ khó khăn do cầu yếu, cạnh tranh giữa các nguồn cung theo đó sẽ gay gắt hơn. Điều này bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải áp dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản phẩm. Ngoài quả tươi, có thể chế biến các sản phẩm khác từ thanh long. Doanh nghiệp trong nước cũng nên đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn, điều kiện tuy có khắt khe nhưng sẽ bền vững hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ, bà Huỳnh Thúy Vy - Thành viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Ấn Độ - cũng lưu ý: Các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên ưu tiên phương thức thanh toán đặt cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì.

Việt Nga

 

Tác giả: Việt Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-thanh-long-sang-thi-truong-an-do-pakistan-de-ma-kho-161823.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin