Dành tình yêu cho thảo dược
Ra trường với tấm bằng ngành Hóa dược của Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Đức về làm việc tại Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Công việc thuận lợi, thu nhập tốt nhưng năm 2014, anh quyết định từ bỏ để trở về quê hương, lập nghiệp dưới chân dãy núi Bái Đính (xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình).
Anh Đức cho biết, lý do rất đơn giản, từ lâu anh đã dành tình yêu với thảo dược thiên nhiên địa phương, các bài thuốc cổ truyền của quê hương Gia Sinh. “Từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với các cây thuốc đủ loại quanh nhà. Tôi được mẹ chăm sóc bằng những cây thảo dược nhỏ bé nhưng hữu hiệu, lành tính như: Cảm sốt có sả, cúc tần, tía tô… xông hơi; đau bụng có lá mơ trứng gà; gội đầu có bồ kết, hương nhu…”, anh Đức chia sẻ.
Anh Vũ Trung Đức bên vườn thảo dược |
Hơn nữa, anh Đức cũng nhận thấy xu hướng của thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đang dần dịch chuyển sang hướng “tiêu dùng xanh”, “tiêu dùng hữu cơ”, lựa chọn các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn. Nước ta khi đó (những năm 2010) mới chỉ có một số các sản phẩm thiên nhiên chứa thành phần thảo dược nước ngoài như xà bông lavender, shea butter… trong khi Việt Nam lại là nước nhiệt đới, có nguồn thảo dược dồi dào và truyền thống.
Anh Đức khao khát tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ các cây thảo dược Việt Nam, phát huy thế mạnh của quê hương Gia Sinh (sinh dược cổ); đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.
Vì thế, về quê anh thành lập Hợp tác xã Sinh Dược để hiện thực hóa ý tưởng làm các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ hoàn toàn từ thiên nhiên. Từ kinh nghiệm của bản thân và áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, những bánh xà bông đầu tiên được anh làm từ dầu dừa hữu cơ, dầu cọ, nước khoáng, sả chanh (xà bông sả chanh) hay xà bông làm từ mật ong, sáp ong, nghệ…
Các sản phẩm của Hợp tác xã Sinh Dược |
Kiên trì và đam mê
Theo anh Đức khi mới khởi nghiệp, anh gặp nhiều thuận lợi như nắm bắt được thị trường. Ở địa phương có rất nhiều cây dược liệu mọc dại, như: Kim ngân, tầm bóp, sài đất, cúc tần… chỉ cần đi thu lượm về mà không mất tiền mua nên giảm chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, anh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Các sản phẩm với thành phần thảo dược Việt Nam khi đó còn khá mới mẻ.
Ban đầu, anh Đức sản xuất quy mô nhỏ nên giá thành sản phẩm còn khá cao, đơn hàng ít, doanh thu thấp. Mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa bắt mắt lại phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại đã có danh tiếng từ trước… Tuy nhiên, với niềm đam mê, anh quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.
Hiện hợp tác xã tập hợp những người dân có kinh nghiệm dùng thảo dược cổ truyền, cùng nhau kế thừa, bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc của địa phương. Hoạt động chính của hợp tác xã là sản xuất hàng hóa từ dược liệu kết hợp các dịch vụ trải nghiệm: Tắm ngâm khoáng thảo dược, du lịch homestay…
Tại trụ sở chính của hợp tác xã tại xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình đã có nhà xưởng rộng trên 3.000m2 với hệ thống chưng cất tinh dầu, nấu xà bông thảo dược, dầu gội đầu, sơ chế nguyên liệu, sao sấy nguyên liệu... Khu dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm tại Gia Sinh trên 2.000m2 với phòng tranh nghệ thuật Bồ đề, các phòng tắm ngâm khoáng nóng thảo dược, xoa bóp massage, ẩm thực… Doanh thu đạt khoảng 12 tỉ đồng/năm tạo việc làm cho 20 thanh niên.
Sản phẩm xà bông thiên nhiên của Hợp tác xã Sinh Dược |
Trong tương lai, Hợp tác xã Sinh Dược tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn của đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, hợp tác xã sẽ tiệm cận và đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm ngày càng chất lượng, cũng như tiến đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Chúng tôi cũng tiếp tục mục tiêu đưa nhiều giá trị văn hoá, truyền thống bản địa của Ninh Bình cũng như Việt Nam vào trong các sản phẩm Sinh Dược. Bên cạnh đó, hợp tác xã phát triển mạnh hơn nữa chương trình du lịch trải nghiệm tại chỗ cho các đoàn khách thăm quan để vừa lan toả được các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của làng nghề truyền thống, vừa tạo thêm việc làm bền vững cho người dân địa phương”, anh Đức cho biết.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Đức cũng cho rằng người trẻ muốn thành công phải có đam mê và phải kiên trì. Khởi nghiệp là một quá trình đầy rẫy những khó khăn, thử thách nhưng cũng vô cùng giá trị. Vì thế, đam mê và kiên trì là yếu tố giúp chúng ta vượt qua khó khăn.
Năm 2023, anh Vũ Trung Đức được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của. Anh Đức cho biết: “Tôi có phần bất ngờ, sau đó là vui mừng và phấn khởi khi được nhận giải thưởng. Tôi làm công việc mình yêu thích với mong muốn đem lại lợi ích cho mọi người xung quanh, cho cộng đồng. Giải thưởng Lương Định Của chính là phần thưởng ghi nhận những nỗ lực đó”.
Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII - năm 2023 trao cho 42 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu, được lựa chọn từ 77 hồ sơ ở 63 tỉnh, thành. Đây là giải thưởng thường niên nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Giải thưởng do Trung ương Đoàn tổ chức với sự đồng hành của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Đây là năm thứ ba liên tiếp, SABECO đồng hành cùng Trung ương Đoàn trao giải thưởng cho những gương điển hình thanh niên tiên tiến trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, SABECO đã góp phần không nhỏ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm của những nhà nông trẻ, giúp họ thực hiện hoài bão và vươn xa trong tương lai. |