Công ty Life Sciences giới thiệu thiết bị phục vụ giải pháp đếm tế bào dòng chảy đến các đại biểu.
Ðưa CNSH vào cuộc sốn
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, cho biết: Tại Việt Nam, CNSH được triển khai ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ môi trường; sản xuất chế phẩm, sản phẩm thân thiện môi trường; lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã triển khai một số đề tài, dự án ứng dụng các nghiên cứu về CNSH trên lĩnh vực nông nghiệp như: đề tài “Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP Cần Thơ” và dự án “Cải thiện tính ổn định chất lượng của chế phẩm vi sinh Lactobacillus sp. dạng bột bằng kỹ thuật tạo màng vi bao”. Ðây là 2 đề tài, dự án được Trung tâm phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH, Trường Ðại học Cần Thơ và Ðại học An Giang thực hiện.
Theo TS Nguyễn Hữu Thanh, Trường Ðại học An Giang, probiotic, trong đó có lactobacillus rất có lợi cho sức khỏe con người, không chỉ duy trì sức khỏe của đường tiêu hóa mà con ngăn ngừa nhiễm trùng đường ruột. Chế phẩm probiotic hiện nay có 2 dạng: dạng bột và dạng lỏng. Trong đó, dạng bột có ưu điểm giúp duy trì hoạt động của probiotic và kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình sấy khô làm probiotic chết nhiều. “Thông qua dự án “Cải thiện tính ổn định chất lượng của chế phẩm vi sinh Lactobacillus sp. dạng bột bằng kỹ thuật tạo màng vi bao”, chúng tôi sử dụng màng vi bao bao bọc probiotic trong chất bao, tách chúng ra khỏi môi trường khắc nghiệt và cung cấp một môi trường vi mô, duy trì khả năng tồn tại và ổn định của probiotic” - TS Nguyễn Hữu Thanh thông tin.
Ðối với đề tài “Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP Cần Thơ”, theo các chuyên gia, DNA mã vạch là các trình tự DNA được tìm thấy ở hầu hết các loại thực vật. DNA mã vạch đóng vai trò quan trọng như một chuỗi ký tự chuyên biệt, giúp phân biệt giữa sinh vật này với sinh vật khác, mặc dù các đặc điểm hình thái giữa chúng giống nhau. Do đó, DNA mã vạch được xem là công cụ hỗ trợ hiệu quả và có độ tin cậy cao trong quá trình giám định giống cây trồng nói chung và cây dâu Hạ Châu nói riêng nhằm truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị giống dâu vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế của huyện Phong Ðiền.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng
Tại hội thảo “DNA mã vạch và tiềm năng ứng dụng trong sản xuất và cuộc sống” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ tổ chức, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, cho biết: “Hội thảo hôm nay nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu đạt được của đề tài, dự án; đồng thời ghi nhận các ý kiến đánh giá, góp ý, phản biện từ các đại biểu để Ban Chủ nhiệm hoàn thiện kết quả đề tài, dự án trước khi nghiệm thu chính thức. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Công ty Life Science giới thiệu kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy trong nghiên cứu tế bào. Qua đó, xúc tiến công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các viện, trường doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL”.
Theo bà Phạm Thị Như Luyến, đại diện Công ty TNHH Phát triển khoa học sự sống (Life Sciences) với đặc điểm nổi trội là phân tích nhiều thông số trên từng tế bào đơn với tốc độ nhanh tới hàng chục nghìn tế bào/giây, kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy đang được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng cũng như trong nghiên cứu như một công cụ thiết yếu. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa kỹ thuật xét nghiệm tế bào dòng chảy và sử dụng kháng thể gắn tín hiệu huỳnh quang đã thúc đẩy nghiên cứu trong một số lĩnh vực chính, chẳng hạn như miễn dịch học, sinh học tế bào, tế bào gốc, HIV… “Không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc cung cấp cung cấp thiết bị, phần mềm, hóa chất trong lĩnh vực phân tích tế bào theo dòng chảy, mà chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ cho giai đoạn tư vấn kỹ thuật, demo, nhằm giúp người sử dụng có được sự lựa chọn đúng đắn để mang lại giải pháp tốt nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phù hợp ứng dụng của khách hàng với giá cả hợp lý. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục cố vấn, đồng hành và hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu phát sinh sau khi sản phẩm đã được đưa vào sử dụng, cho đến khi các đối tác, nhà khoa học có đủ tự tin vận hành ổn định các công nghệ mới" - bà thông tin.
Kỹ sư Trần Gia Huy, Viện Nghiên cứu và Phát triển CNSH, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nền nông nghiệp hội nhập sâu rộng, các yêu cầu về sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ giống cây trồng ngày càng quan trọng. Trong khi đó, các nghiên cứu về DNA mã vạch ở nước ta hiện nay chỉ mới thực hiện ở một số giống cây trồng. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu nhằm xác định các trình tự DNA đặc trưng cho các giống cây trồng đặc sản ở nước ta. Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ DNA mã vạch trong kiểm định chất lượng, nhận diện các giống dược liệu quý ở giai đoạn thành phẩm, cũng như phát hiện côn trùng gây hại trong nông sản xuất khẩu…”.
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo điều kiện để việc ứng dụng CNSH vào sản xuất, đời sống của TP Cần Thơ trở nên mạnh mẽ hơn. Song cũng đặt không ít thách thức khi nhân lực và vật lực ứng dụng CNSH của thành phố còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học thì các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức là hết sức cần thiết trong giai đoạn này. Nếu TP Cần Thơ tận dụng và phát huy được các nguồn nội và ngoại lực sẽ tạo sức mạnh tổng hợp đưa CNSH trở thành động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
Nguồn: Báo Cần Thơ