Tin hot

Giải pháp cốt lõi thúc đẩy chương trình OCOP


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, nhưng hiện tồn tại hai khâu yếu nhất, đó là khâu chế biến và xúc tiến thương mại (XTTM). Chính vì vậy, đề án chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp, trong đó XTTM được xác định là giải pháp cốt lõi.

 

Cả nước có trên 11 nghìn làng, xã, nằm trải dài trên 15 vĩ độ, với địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên, đất đai, khí hậu đa dạng, tài nguyên sinh học phong phú. Khu vực này có hàng nghìn giống vật nuôi, cây trồng mang tính đặc sản, trong đó có rất nhiều đặc sản quý…. Tại đây hiện có hơn 70% lực lượng lao động sinh sống. Đây là khu vực dư địa, khu vực vành đai sinh thái trong tiến trình công nghiệp hóa (CNH), đô thị hóa của nước ta. “Do vậy, phải tập trung xây dựng vùng này thành vùng khá giả về mọi mặt thì mới trở thành vành đai sinh thái bền vững cho chương trình CNH, đô thị hóa” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Quảng Ninh tiên phong phát triển sản phẩm làng xã thành hàng hóa

Đảng và Nhà nước chủ trương phải tập trung khai thác trục đặc sản làng xã để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nhưng với quy trình, cách làm phải hiện đại, phải khoa học, có tổ chức, để cải thiện đời sống nông dân, từ đó phát triển kinh tế nông thôn. Vì ở đây, ngoài cây, con đặc sản, chúng ta còn nền văn hóa nông thôn, ở đó có cả hàng nghìn làng nghề, có nền văn hóa đặc sắc 54 dân tộc. Trong phong trào phát triển mỗi xã phường một sản phẩm, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu và đã đi đúng hướng theo tinh thần chung đó.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long và Phó chủ tịch Đặng Huy Hậu xem sản phẩm OCOP của Móng Cái

Giải pháp cốt lõi thúc đẩy phát triển chương trình OCOP

Bộ NN&PTNT đánh giá chương trình này của Quảng Ninh rất phù hợp trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, cũng như xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước hiện nay. Sau hơn 3 năm thực hiện, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm có địa chỉ hàng hóa của bà con nông dân, cho đến hôm nay, Quảng Ninh đã xây dựng được trên 251 sản phẩm. Cùng với đó là sự trưởng thành cả về tổ chức, đến nay đã có gần 300 tổ chức bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác của Quảng Ninh được hình thành qua chương trình này. Đáng chú ý, nhận thức của người nông dân đã được nâng cao, nhận thấy lợi ích, chuyển từ hộ sản xuất manh mún sang mô hình OCOP và trở thành người sản xuất hàng hóa, tổ chức sản xuất hàng hóa với những sản phẩm không chỉ có sức cạnh tranh ở địa phương, mà còn có thể cạnh tranh trên toàn quốc, thậm chí một số sản phẩm OCOP qua chương trình này đã được xuất khẩu.Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên tất cả các bình diện còn nhiều khó khăn. Trong sản xuất nông nghiệp, quy mô hộ nhỏ lẻ sản xuất manh mún vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Do đó, rất khó kiểm soát, chuỗi giá trị gia tăng thấp.

Mặc dù sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, riêng về sản xuất thực phẩm không chỉ đủ đáp ứng cho 92 triệu dân trong nước, mà còn đủ sức sản xuất một khối lượng hàng hóa rất lớn để xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhưng hiện tồn tại 2 khâu yếu nhất, đó là khâu chế biến và khâu XTTM. Hiện có một số mặt hàng, một số nhóm hàng chúng ta đi vào số lượng, phần lớn là xuất khẩu thô do yếu các khâu chế biến và thương mại.

Bộ trưởng cũng cho biết, đề án chương trình OCOP đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp, trong đó XTTM được xác định là giải pháp cốt lõi.

Chính về thế, trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V tổ chức mới đây, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo về giải pháp XTTM sản phẩm chương trình quốc gia Mỗi xã phường một sản phẩm.

“Phải bàn thảo sâu vấn đề này, vì một khi anh có hàng tốt, nhưng không biết XTTM, thì cũng không thể kết nối được người bán, người mua, và chúng ta không mở rộng được thị trường, không cho thế giới thấy được hàng hóa của Việt Nam tốt thế nào. Do đó, chúng ta phải tập trung vào nhóm giải pháp XTTM, coi đây là một trong những nhóm giải pháp cốt lõi, cùng với các nhóm giải pháp khác” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hơn 3 năm qua, người ta thấy một hình ảnh Quảng Ninh đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, chuyển dịch từ nâu sang xanh. Khai thác khoáng sản giảm dần, công nghiệp thì phát triển sản phẩm sạch, du lịch dịch vụ là nòng cốt, nhưng nông nghiệp là cái đích Quảng Ninh phấn đấu, vì nông nghiệp không phải chỉ thuần túy cung cấp sản phẩm cho người dân trong tỉnh, mà đây là vùng sinh thái để nuôi dưỡng hình ảnh các sản phẩm du lịch. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chăm lo đến khu vực này và chương trình OCOP. Chúng tôi thực sự cảm động khi chứng kiến các hoạt động chương trình OCOP đang triển khai, tất cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quảng Ninh đều trực tiếp tham dự và chỉ đạo rất bài bản, căn cơ.…

Theo Xuân Phú - Kinhtevn.com.vn

 

 

Tìm kiếm chúng tôi