Tin hot

Giải pháp xuất khẩu gạo bền vững: Thúc đẩy liên kết, nâng cao giá trị


Dù đạt được những thành quả nhất định nhưng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại: Khối lượng XK lớn nhưng giá trị thu được không cao; sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường… Vì vậy, để XK gạo bền vững, cần thúc đẩy liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm…

Doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân nâng cao chất lượng gạo

Thay đổi cách tiếp cận thị trường

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Khối kinh doanh Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, Trung Quốc hiện chiếm 40% sản lượng gạo XK của Việt Nam và về lâu dài vẫn là thị trường số 1. Hiện nay, 50% sản lượng gạo của Lộc Trời XK vào thị trường này. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc mua gạo Việt để “mix - pha trộn” với nhau thành 1 loại khác để bán nên thường yêu cầu gạo giá rẻ, chất lượng cao, mẫu đẹp, độ ẩm thấp. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả XK, cần xem lại giống lúa. Tìm hiểu thị trường Trung Quốc cần gì? Không để họ “mix” gạo của ta. Giải bài toán này, bước đầu, Lộc Trời hợp tác với tập đoàn lớn của Trung Quốc chuyên về giống và đưa vào sản xuất trên cánh đồng lớn. Tiếp theo, tập đoàn sẽ thành lập công ty liên doanh, liên kết để đưa trực tiếp gạo có thương hiệu vào thị trường Trung Quốc.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Vinh - đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) – bổ sung: 22 DN đã được cấp phép XK gạo vào Trung Quốc cần ngồi lại với nhau để thống nhất về chất lượng, thương hiệu gạo... Khi liên kết, XK gạo mới hiệu quả.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex – lưu ý: Việt Nam đang cung cấp phần lớn gạo nếp cho Trung Quốc. Năm 2016, Việt Nam XK 1,3 triệu tấn nếp và hoàn toàn có thể tăng lên 2 triệu tấn nếp/năm. Vì vậy, DN Việt có thể đẩy mạnh XK mặt hàng này.

Đồng bộ giải pháp

Với kinh nghiệm XK gạo thơm nhiều năm nay, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty LTTP Long An - chia sẻ: Công ty đã liên kết với nông dân trồng 2.000 ha lúa. Trong quá trình liên kết, công ty cung cấp giống, phân bón… theo đúng yêu cầu của thị trường nên sản phẩm luôn đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Do đó, việc liên kết cánh đồng mẫu lớn hết sức cần thiết.

Bên cạnh việc liên kết cánh đồng mẫu lớn, ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam một cách bài bản, cụ thể nhằm minh bạch khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Do giá thành sản xuất gạo cao, chi phí vận chuyển lớn nên lợi nhuận thu về của DN và nông dân cùng thấp. Trước thực tế này, ông Lê Xuân Vinh kiến nghị nhà nước cần có giải pháp cải thiện hạ tầng logistics.

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam - đề xuất, Chính phủ cần có chính sách thiết thực khuyến khích tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; thúc đẩy đàm phán và ký kết thỏa thuận về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hợp lý với các nước nhập khẩu... Về phía DN, đẩy mạnh liên kết với người nông dân, đảm bảo nguồn cung phù hợp với yêu cầu thị trường...

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020.

 

Minh Long - Thùy Dương

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Tìm kiếm chúng tôi