Tin hot

Hải Dương : Giá lợn giảm mạnh, người nuôi điêu đứng


Người chăn nuôi hy vọng giáp Tết lợn được giá, nhưng hiện giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm mạnh. Một số hộ phải nuôi cầm chừng chờ giá lợn tăng. 

Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đứng trước nguy cơ phá sản do giá lợn giảm mạnh

 

Nguy cơ phá sản
Khuôn mặt mệt mỏi, ông Nguyễn Danh Thức ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) nhẩm tính, chỉ riêng lứa lợn này trang trại của ông đã lỗ gần 700 triệu đồng, nguy cơ phá sản rất cao. Dù nuôi lợn đã 10 năm, nhưng đầu năm 2016, ông Thức mới mở rộng quy mô chuồng trại. Ông đã thế chấp sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng 1 tỷ đồng, xây 1 dãy chuồng lợn khép kín rộng hơn 700 m2 và làm đường bê tông, đường điện… Năm 2015, ông chỉ nuôi 700 con lợn thịt, giá ổn định ở mức cao nên mỗi con lợn lãi khoảng 700.000 đồng. Năm 2016, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lên 1.200 con lợn thịt và 20 con lợn nái ngoại.
Ông Thức nói: “Giá lợn giảm mạnh, thương lái không thu mua nên nhiều hộ nuôi lợn không bán được. Cuối tháng 11 vừa rồi, khó khăn lắm tôi mới xuất được 500 con lợn, trọng lượng 1,3 tạ/con, với giá bán hiện tại tôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/con. Đầu tư chuồng trại đã hết 1 tỷ đồng, lại đầu tư con giống đúng thời điểm giá cao nên năm nay tôi bị thiệt hại nặng. Hiện tôi còn 100 con lợn nữa, nếu giá lợn vẫn tiếp tục giảm, thì tôi còn lỗ lớn hơn”. Bán được lợn vẫn là may mắn, bởi theo ông Thức, hiện nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không bán được lợn, chỉ còn cách tự giết mổ và mang ra chợ bán lẻ. Nhiều hộ bị thương lái ép giá xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Với hơn 20 năm trong nghề nuôi lợn, ông Đào Văn Nho ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc) đã đoán trước năm nay giá lợn sẽ xuống thấp. Trang trại của ông nuôi 250 con lợn thịt và hơn 10 con lợn nái ngoại. Nếu như mọi năm, ông Nho giữ lại toàn bộ đàn lợn con để nuôi tái đàn, nhưng năm nay ông đã xuất 3 đàn lợn con. Đầu tháng 12, giá lợn xuống thấp nên dù lợn chỉ mới đạt trọng lượng 90 kg/con, ông đã nhanh chóng bán tháo gần 2 tấn lợn hơi với giá 38.000 đồng/kg. “Chưa năm nào, giá lợn lại xuống thấp như năm nay. Hiện tại, lợn hơi loại ngon mới có giá 32.000-33.000 đồng/kg, nếu tự đầu tư được giống các hộ nuôi vẫn lỗ 700.000 đồng/con. Tôi biết nhiều hộ không xuất bán được lợn do lượng lợn tồn đọng trong dân còn rất nhiều mà thương lái Trung Quốc đã ngừng mua”, ông Nho cho biết thêm.


Nhiều yếu tố bất lợi
Ông Nguyễn Khắc Chức ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) đã gắn bó với nghề nuôi lợn hơn 10 năm cho biết có thời điểm giá lợn hơi duy trì ở mức hơn 50.000 đồng/kg, người nuôi thắng lớn. Tuy nhiên, cuối năm 2016, giá lợn giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Hiện nay, các hộ nuôi rất lo lắng vì không biết giá lợn có tiếp tục giảm nữa hay không. “Nguyên nhân khiến giá lợn giảm có thể do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua làm số lượng lợn tồn đọng trong dân lớn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trong nước không lớn, dẫn đến cung vượt cầu nên giá càng giảm sâu”, ông Chức phỏng đoán.


Giá lợn giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg đã làm nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng

Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, lợn hơi chủ yếu được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thị trường này ngừng tiêu thụ sẽ khiến giá lợn giảm, các hộ chăn nuôi lỗ lớn. Bên cạnh đó, người dân tự phát đầu tư tăng đàn ồ ạt, cộng với tình trạng nhập khẩu số lượng lớn thịt gia súc, gia cầm đã làm gia tăng nguồn cung. Những thông tin bất lợi về an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt lợn cũng đẩy ngành chăn nuôi xuống dốc không phanh. Trong khi đó, công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch của các ngành chức năng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp… cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Chi phí cho chăn nuôi vẫn ở mức cao. Để hạn chế thiệt hại, các hộ nuôi không còn cách nào khác là phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp giúp người chăn nuôi hạ chi phí đầu vào, đồng thời đề xuất các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng, giảm giá thành sản phẩm… “Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần bắt tay cùng nông dân xây dựng chuỗi chăn nuôi bền vững, góp phần giảm giá thành chăn nuôi và tăng giá trị sản phẩm. Về lâu dài, cần tái cơ cấu, quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi theo vùng nhằm bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay”, ông Tịnh nói.

Theo Trần Hiền - Báo Hải Dương

Tìm kiếm chúng tôi