Bà con đã được giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Buôn Đôn tổ chức tham quan thực tế và thực hành cách phối trộn thức ăn cho trâu, bò. Dù bận bịu công việc nhà nông, song mọi người đều có mặt đông đủ, chăm chú lắng nghe từng chỉ dẫn của giảng viên và cùng chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, những kiến thức vừa được học.
Trực tiếp đứng giảng cho các học viên, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy luôn cố gắng truyền đạt kiến thức ngắn gọn, đúng trọng tâm, kết hợp phân tích vấn đề để làm rõ nội dung bài học. Tạo hứng thú học tập cho học viên, giảng viên vận dụng linh hoạt các câu chuyện liên quan, dẫn dắt hài hước, dễ hiểu nhằm tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái, giúp học viên dễ dàng tiếp thu nội dung bài học.
Học viên thực hành cách phối trộn thức ăn cho trâu, bò. |
Cô Thủy cho biết, 2 lớp học nghề chăn nuôi trâu, bò tại các xã Ea Wer và Krông Na được người dân tích cực tham gia, nhất là các gia đình làm nghề nông, thu nhập còn thấp. Để học viên đi học đều đặn, Trung tâm GDNN – GDTX huyện chủ động sắp xếp thời gian phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người dân: Lớp học được tổ chức vào buổi tối và các ngày cuối tuần, nội dung truyền đạt được xây dựng phù hợp với nhu cầu người dân...
Chị H'Hạ Hra ở buôn Tul A (xã Ea Wer) cho hay, chị luôn cố gắng thu xếp công việc nhà để không bị bỏ lỡ các buổi học. Nhờ lên lớp, chị đã hiểu và truyền đạt lại cho người thân, gia đình biết lựa chọn giống vật nuôi tốt; cách chăm sóc, phát triển đàn bò theo từng giai đoạn phát triển.
Gia đình chị H'Dun H'ra ở buôn Tul B là một trong những hộ nghèo ở xã Ea Wer. Đất sản xuất ít, lại không có công việc ổn định nên khi được tặng cặp bò sinh sản theo chương trình giảm nghèo, chị vui mừng khôn xiết bởi vấn đề việc làm được giải quyết, gia đình có thêm hướng làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Việc được học nghề đã giúp chị có thêm kiến thức để chăn nuôi trâu, bò hiệu quả. Chị H'Dun H'ra bộc bạch: “Nhờ học, tôi mới biết bấy lâu nay gia đình mình chăm vật nuôi chưa đúng cách. Bò sinh sản và bò lấy thịt không chỉ cần ăn cỏ, mà còn phải bổ sung thêm dinh dưỡng để bảo đảm trọng lượng; cách phối trộn thức ăn của từng giai đoạn vật nuôi cũng khác nhau. Ngoài ăn no, bò cần được giữ gìn vệ sinh, tiêm phòng dịch đầy đủ… Từ khi áp dụng kiến thức được học, tôi thấy đàn bò sinh trưởng tốt, béo khỏe hơn”.
Người dân áp dụng kiến thức được học để chăm sóc, phát triển vật nuôi. |
Hiện nay, huyện Buôn Đôn đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, từ đầu năm đến nay, huyện đã mở 9 lớp đào tạo nghề, gồm: chăn nuôi trâu, bò, heo; xây dựng; may công nghiệp cho người dân.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, chia sẻ: Các lớp dạy nghề được tổ chức bám sát với nhu cầu của người dân. Qua triển khai cho thấy, nhiều hộ dân đã phát huy được các kiến thức, kỹ năng được học để áp dụng vào quá trình sản xuất, chăn nuôi ở gia đình. Hiện nay, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đang tiếp tục phối hợp với ngân hàng chính sách để hỗ trợ bà con vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Song Quỳnh